Các quốc gia thành viên ASEAN cùng với các đối tác khu vực và quốc tế như FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc), SEAFDEC (Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á), NACA (Ủy ban Quản lý Mạng lưới trung tâm nuôi trồng Thủy sản vùng châu Á - Thái Bình Dương), JICA Nhật Bản, EU, Australia… đã thẳng thắn trao đổi thông tin, thảo luận và thống nhất các vấn đề hợp tác và phát triển nghề cá khu vực Đông Nam Á góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực, cộng đồng kinh tế ASEAN.
Đối với Cuộc họp Liên minh Tôm ASEAN lần thứ 9, các đại biểu đã thống nhất cần triển khai các bước đánh giá hệ thống ASEAN Shrimp GAP và nghiên cứu việc xây dựng Hệ thống chứng nhận ASEAN để thúc đẩy các quốc gia thành viên áp dụng hệ thống ASEAN Shrimp GAP cũng như để hệ thống này được thị trường quốc tế thừa nhận.
Các quốc gia cũng nhất trí rằng vấn đề trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu và cải tiến nuôi tôm trong khu vực cần được thảo luận dựa trên lợi ích và mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên ASEAN.
Bên cạnh đó, để tái khởi động website của Liên minh Tôm ASEAN, các đại biểu cũng nhất trí cần cập nhật các thông tin về thức ăn, dịch bệnh, thông tin nuôi tôm, thông tin thị trường quốc tế (hàng rào thuế quan) cũng như các kết quả nghiên cứu khoa học và kỹ thuật liên quan đến đối tượng tôm nuôi.
Ngoài ra, website cũng sẽ là nơi để các nhà nghiên cứu công bố các công trình nghiên cứu của mình liên quan đến sản phẩm tôm nuôi; đồng thời, tạo kênh trao đổi thông tin cho những người quan tâm. Đường dẫn đến của website sẽ được chia sẻ rộng rãi thông qua các tổ chức nghề cá quốc tế và khu vực như NACA, SEAFDEC...
Đối với vấn đề dịch bệnh của tôm nuôi trong khu vực, các thành viên thống nhất sẽ chia sẻ, cập nhật thông tin thông qua cơ chế của NACA và ANAAHC.
Tại Diễn đàn tham vấn Thủy sản ASEAN lần thứ 11, các đại biểu đã được thông tin về tiến trình đề xuất đánh giá việc triển khai Kế hoạch hành động khu vực về kiểm soát cường lực khai thác (RPOA-Fishing Capacity) cũng như các kết quả thực hiện Hướng dẫn Nghề cá quy mô nhỏ của FAO (FAO SSF Guidelines) do các quốc gia thành viên ASEAN và các tổ chức nghề cá khu vực, quốc tế triển khai.
Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đề xuất tổ chức hội thảo tham vấn về tác động của biến đổi khí hậu tới nghề khai thác thủy sản và ngành nuôi trồng thủy sản nhằm xây dựng Hướng dẫn về tác động của Biến đổi khí hậu tới Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, đối với vấn đề chống khai thác bất hợp pháp, các quốc gia thành viên ASEAN đã được thông tin về tiến trình triển khai Kế hoạch hành động khu vực chống khai thác bất hợp pháp (RPOA-IUU); hỗ trợ các quốc gia thành viên phê chuẩn và thực thi Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO (PSMA) và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (NPOA-IUU), thực thi các biện pháp quản lý nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp, thống nhất hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm chống lại khai thác bất hợp pháp thông qua cơ chế trao đổi và minh bạch thông tin.
Cuộc họp nhóm công tác Thủy sản ASEAN lần thứ 27 đã thông qua các chủ trương quan trọng về phát triển ngành thủy sản của khu vực giai đoạn 2019-2020. Các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất cao về chủ trương thành lập Mạng lưới chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của ASEAN (ASEAN Network for Combating IUU, AN-IUU) với mục tiêu chính là chia sẻ thông tin và nâng cao năng lực quản lý, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho các nước thành viên.
Đồng thời, chính sách chung về thủy sản của ASEAN cũng được các đại biểu thống nhất nghiên cứu khả thi nhằm tăng cường các nỗ lực chung hướng đến nghề cá bền vững, có trách nhiệm và đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất thực hiện các vấn đề quan trọng khác của khu vực về phát triển thủy sản bền vững, tăng cường khả năng hội nhập với nghề cá thế giới, đảm bảo an ninh lương thực và thích ứng biến đổi khí hậu...