Các đại biểu tập trung chất vấn về xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới; Thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc; Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông đang từng bước được kiểm soát tốt hơn.
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn đang ở mức cao, số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông còn nhiều và trách nhiệm lớn của ngành giao thông vận tải, các cơ quan chức năng, đặc biệt là hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cố gắng đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do điều kiện ngân sách hạn chế, dù các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực nhưng hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều bất cập, không đảm bảo được ở một số vùng miền.
Với nguồn vốn được giao, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Chính phủ thực hiện các dự án trọng điểm. "Ngành giao thông sẽ cố gắng phát triển hạ tầng, tăng cường quản lý vận tải, nhưng nhu cầu lớn, khả năng có hạn", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chia sẻ với Bộ trưởng là do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu nên có nhiều cây cầu cần được xây dựng, nhiều con đường cần được mở rộng, nâng cấp nhưng chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay nhiều con đường mới được đầu tư nhưng do công tác quản lý kém, không kiểm soát được xe quá khổ quá tải nên xuống cấp nhanh hư hỏng nhiều. "Đây cũng là một dạng lãng phí và gây bức xúc trong nhân dân. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về nội dung này, giải pháp nào khả thi nhất để giảm thiểu, tiến tới quản lý chặt chẽ xe quá khổ quá tải" - đại biểu chất vấn.
Vấn đề thứ hai đại biểu Ma Thị Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là về công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe. Theo đại biểu, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, người thực thi công vụ nhận thức về pháp luật còn hạn chế, thậm chí có hiện tượng tiêu cực, đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao có bị tình trạng này, những giải pháp và chỉ đạo của Bộ để khắc phục ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc quản lý xe quá khổ quá tải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Về góc độ của Bộ Giao thông Vận tải, có các Trung tâm Đăng kiểm, Cục Đăng kiểm và khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải đảm bảo đúng quy trình, kích thước trong hồ sơ.
Tuy nhiên trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm thì có một số chủ phương tiện dùng các hộp, thùng cơi nới để dẫn đến là xe quá khổ quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký, đăng kiểm và xảy ra ở địa phương. Do đó, với trách nhiệm của mình, Bộ đã chỉ đạo Thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các xe quá khổ quá tải.
"Tuy nhiên hiện nay tình trạng xe quá khổ quá tải vẫn còn diễn ra ở một số địa phương và tập trung chủ yếu ở các tuyến đường nông thôn, tuyến đường tỉnh, đường huyện. Các xe này không dám lưu thông trên tuyến quốc lộ bởi vì quốc lộ thuộc có nhiều lực lượng chức năng hơn.
Do đó chúng tôi sẽ có phối hợp với chính quyền địa phương cùng với Công an các cấp tăng cường kiểm tra giám sát ở các khu vực, xử lý nghiêm. Các hành vi này là hành vi phá hoại tài sản của nhà nước bởi vì xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu mặt đường" - Bộ trưởng cho biết.
Về vấn đề đào tạo và sát hạch lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông phức tạp. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải tập trung cho công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
"Chúng tôi chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. Chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, của nhân dân, chúng tôi sẽ điều chỉnh " - Bộ trưởng nói.
Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và quản lý việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, cũng như Nghị định 86, Bộ cũng điều chỉnh các nội dung như: tăng cường giám sát giờ học của các học viên; tăng cường giám sát thời gian tập lái trên đường, tăng độ khó của đề thi...
"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch lái xe để đáp ứng yêu cầu. Đảm bảo lái xe sau khi được nhận bằng thì có thể hoạt động được tốt nhất", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra với những lái xe qua thâm niên từ 8 đến 10 năm
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây bất an cho nhân dân và người tham gia giao thông.
"Một trong những nguyên nhân theo tổng hợp ý kiến của cử tri cho rằng rằng việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe và việc đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực. Là Bộ chủ quản trong việc tham mưu xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và bổ sung Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và quản lý việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng sẽ đề xuất những giải pháp gì để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và đạo đức của người lái xe qua việc xử lý vi phạm và đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe" - đại biểu đặt nêu vấn đề.
Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, theo thống kê những tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra với những lái xe qua thâm niên từ 8 đến 10 năm.
"Thống kê này đã có số liệu của Công an. Qua đó chứng tỏ rằng không phải là lái xe mới có bằng gây nên những tai nạn nghiêm trọng, mà thường là những lái xe đã có công ăn việc làm ổn định, sau một thời gian thì mới vi phạm. Do đó để xử lý vấn đề này, tăng cường sát hạch, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, lái xe, nhất là tình trạng sử dụng bia, rượu.
Chúng tôi đang lồng ghép vào Nghị định 46, Nghị định 86 sửa đổi để nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, của các doanh nghiệp sử dụng lái xe và tăng mức hình phạt các lái xe nếu vi phạm điều cấm như sử dụng ma túy hoặc là sử dụng bia, rượu quá nồng độ cho phép" - Bộ trưởng cho biết.
Quản lý tốt hơn các loại hình vận tải mới
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nêu nên một số vấn đề mới trong lĩnh vực giao thông vận tải mà lực lượng chức năng đang tăng cường các giải pháp để quản lý tốt hơn.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian gần đây xuất hiện mô hình xe mới, đó là xe công nghệ xe, ứng dụng hợp đồng công nghệ mà một số nước gặp rất nhiều khó khăn. Ở Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng kết 02 năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải) và đã điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải.
Tiếp đó là vấn đề thu phí tự động không dừng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và Bộ Giao thông Vận tải hiện nay tập trung thực hiện, cố gắng hoàn thành tiến độ mà Chính phủ đã chỉ đạo.
"Đây là hoạt động gắn liền với đời sống người dân, được xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng trong trách nhiệm của mình để đảm bảo cho hoạt động vận tải được tốt nhất" - Bộ trưởng nhấn mạnh.