Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV:

Cần kịp thời xử lý các dự án trọng điểm chậm tiến độ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Trình bày báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó trưởng Đoàn giám sát nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ. Vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến. Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm chưa nghiêm.

Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2016 - 2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí. Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm…, có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời.

Tại phiên thảo luận sáng 31/10, các đại biểu Quốc hội kiến nghị, đề xuất đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các chương trình đào tạo; hành động quyết liệt để không lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin - những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước...

Theo đại biểu Siu Hương (Gia Lai), trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, yếu tố đầu tiên phải đề cập đến là con người. Đại biểu cũng đề nghị tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, bởi qua giám sát bộc lộ nhiều lĩnh vực pháp luật cần hoàn thiện cả về hình thức và nội dung. 

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan; tuy nhiên đó mới chỉ là "bề nổi của tảng băng". Theo đại biểu, đằng sau những lãng phí hữu hình ấy là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ "làm mất đi cơ hội phát triển" mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí những nguồn lực quý giá của quốc gia.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, việc thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành, ở bộ phận không nhỏ cơ quan đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Sự thất thoát, lãng phí này đã, đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi công vụ… làm thất thoát, lãng phí niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Hạn chế lãng phí nguồn nhân lực là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận buổi chiều 31/10. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị bổ sung giải pháp thứ hai tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công, vì đây là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nêu thực tế về việc nhân lực khu vực công đã nghỉ việc gần 40 nghìn người, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định, đây là tình trạng báo động khiến cho những nhà hoạch định chiến lược phải suy nghĩ, hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ, bảo vệ, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài cho khu vực công từ xa, từ sớm, nhất là đối với các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý các cấp, tránh tình trạng bị động, thiếu hụt nhân sự, khi cần thì không có hoặc khi bố trí thì làm không hiệu quả.

Tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ. Dù chưa có cơ sở tổng hợp, xác định thực tế chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ có đạt hay không so với mức quy định, nhưng trong bối cảnh cân đối chi ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi thường xuyên cho khoa học công nghệ vẫn luôn được Quốc hội thông qua trung bình khoảng 0,79% tổng chi ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cố gắng hình thành một hệ thống các chỉ tiêu thống kê để phản ánh được tình hình, kết quả hoạt động khoa học công nghệ chủ yếu của đất nước, làm cơ sở cho việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ từng thời kỳ. Đóng góp của ngành khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế- xã hội có thể được đánh giá gián tiếp thông qua một số chỉ tiêu bao gồm: Chỉ số đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp GDP vào tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao… Các chỉ tiêu này trong giai đoạn 2016-2020 đều có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với giai đoạn trước. 

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mong Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển. Nêu một số nguyên nhân tác động đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ông Hồ Đức Phớc khẳng định đây là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị nên vấn đề về văn bản quy phạm pháp luật, về các giải pháp, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải được tiếp tục hoàn thiện.

Về vấn đề sử dụng tài sản công, trong đó có xe công, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô, quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí… Trong đó, dự kiến tháng 11/2022, Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Bộ Tài chính đã 2 lần công khai trên Cổng Thông tin điện tử, theo đó, dự thảo quy định rõ tiêu chí về việc mua sắm ô tô tại cấp huyện, góp phần giải quyết các vướng mắc hiện tại.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Những quy định, chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2022
Những quy định, chính sách về giáo dục có hiệu lực từ tháng 11/2022

Cơ cấu mới, quy định mới về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường quân đội; kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm phải có từ 5 năm trở lên là giảng viên… là những quy định, chính sách mới về giáo dục, sẽ được áp dụng từ tháng 11/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN