Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, Đồng Tháp có thế mạnh về nông nghiệp. Không chỉ phát huy giá trị tài nguyên bản địa, tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”. Từ đó, đã đạt được mục tiêu nâng cao mức tăng trưởng và giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi từ tư duy độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sang giảm dần diện tích lúa vụ ba, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác; triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh…
Là tỉnh có điều kiện tốt sản xuất, phát triển nông nghiệp, hiện Đồng Tháp không chỉ có lúa, còn có cây kiểng (cây cảnh), xoài Cao Lãnh đã thâm nhập thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân… Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những năm qua tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đổi mới sáng tạo về kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới, là điểm sáng của cả nước trong thực hiện công tác này. Đồng Tháp đã rất chú trọng xây dựng tinh thần hợp tác trong nông dân.
Mô hình “hội quán nông dân” chính là nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin… giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân. Hiện tỉnh có 80 hội quán nông dân ra đời với trên 4.300 thành viên tham gia hoạt động gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương, trong đó có 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận công tác cải cách hành chính của tỉnh phát huy hiệu quả. Chỉ số cải cách hành chính của Đồng Tháp năm 2018 được cải thiện rõ nét khi lần đầu vươn lên vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước… Cùng với đó, công tác quản lý, điều hành ngân sách bảo đảm theo dự toán. Tính đến ngày 15/8/2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.286 tỷ đồng, gần bằng 75% dự toán năm và bằng 120% so với cùng kỳ năm trước. Chi cân đối ngân sách đạt 7.358 tỷ đồng, đạt 67% dự toán năm.
Về chỉ số cải cách hành chính, Đồng Tháp cũng xuất sắc vươn lên xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả từ sự chuyển biến về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là việc nỗ lực thực hiện nhiều mô hình mới điển hình cả nước.
Đồng Tháp cũng dẫn đầu các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, những vườn xoài rợp bóng, những nét đặc thù văn hóa –xã hội của Đồng Tháp là tiềm năng để tỉnh phát triển du lịch như vườn trái cây ở huyện Lai Vung, Cao Lãnh, đồng sen Tháp Mười gắn với loại hình du lịch trải nghiệm; làng du lịch Tân Thuận Đông, Làng hoa Sa Đéc. 9 tháng năm 2019, ước tổng lượng khách du lịch đến tham quan khoảng 2,8 triệu người (trong đó 70.000 khách quốc tế) cho thấy đây là điểm tốt, từ đó góp phần đưa du lịch về nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, sinh thái là điểm lợi thế của Đồng Tháp, do đó trong phát triển du lịch, tỉnh cần duy trì những mặt tích cực, không chạy theo lợi nhuận để gìn giữ cảnh quan môi trường.
Đánh giá cao những mặt đạt được của Đồng Tháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác huy động vốn đầu tư phát triển chưa cao, ngành nông nghiệp còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro do thời tiết, giá cả thị trường, quy mô cơ sở lưu trú du lịch còn nhỏ, dịch vụ hỗ trợ cho dịch vụ du lịch còn hạn chế…
Về những nhiệm vụ giải pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chỉ còn ít tháng nữa là hết năm 2019, tỉnh cần chuẩn bị và tổ chức thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trong quán triệt tổ chức thực hiện tất cả nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng bộ tỉnh, Đồng Tháp cần tập trung rà soát, làm tốt với tinh thần quyết tâm cao. Cùng với thực hiện hoàn thành kế hoạch 2019, Đồng Tháp chuẩn bị cho kế hoạch năm 2020, trong đó kế hoạch đầu tư công 5 năm tới…
Tỉnh tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình mới, ngành hàng chủ lực theo chiều sâu và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp làm ra; chú trọng hơn nữa phong trào xây dựng nông thôn mới để Đồng Tháp trong 5 năm tới sẽ có nhiều xã đạt nông thôn mới, nhiều mô hình hợp tác xã tốt, nhiều hội quán hoạt động hiệu quả.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp hiện có hơn 30%, còn lại là công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại. Do đó, tỉnh cần giải quyết cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện của địa phương; sớm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn; quan tâm công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách người có công...
Tỉnh tiếp tục củng cố tăng cường quốc phòng - an ninh; làm tốt công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ công tác đối ngoại vùng biên giới giáp với nước bạn Campuchia; thực hiện tốt phương châm xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và coi trọng công tác Mặt trận, đoàn thể nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Nhất trí với kiến nghị của tỉnh về dự án đầu tư Quốc lộ 30 (đoạn tuyến tránh thành phố Cao Lãnh), Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là sự cần thiết bởi dự án đã được phê duyệt, trong khi tuyến tránh dài khoảng hơn 12 km, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nếu không được tiếp tục sẽ bị hư hỏng… Đây còn là điểm kết nối một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đi tới biên giới giáp nước bạn Campuchia…
Sau chuyến thăm làm việc, Đoàn sẽ đề nghị Chính phủ xem xét kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, nếu vượt thẩm quyền Chính phủ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, giải quyết, vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Quốc hội sẽ xem xét, giải quyết.
* Cũng trong chiều 4/9, nhân dịp sắp bước vào năm học mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao tặng học bổng, dụng cụ học tập và sách tham khảo cho 50 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Đồng Tháp; chứng kiến đại diện Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trao học bổng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của tỉnh Đồng Tháp trị giá 355 triệu đồng cho cơ quan hữu quan tỉnh Đồng Tháp. Sự kiện do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Hội quán nông dân phát huy tinh thần hợp tác, tự lực, tự chủ
Trong chuyến thăm làm việc tại tỉnh Đồng Tháp, sáng 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác Trung ương đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương tại mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động ghi lưu niệm tưởng nhớ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Chủ tịch Quốc hội viết: Cả nước vừa tổ chức Lễ quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người con ưu tú của Cụ và của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ người Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nguyện mãi nhớ ơn Cụ và sẽ làm theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Sau lễ dâng hương, Chủ tịch Quốc hội cùng với Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã ra chăm sóc lại cây trồng trước đây.
Cũng trong sáng 4/9, Chủ tịch Quốc hội và đoàn đã tới ấp Tân Hùng, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thăm, tìm hiểu về hoạt động của Thuận Tân Hội quán và Tâm Quê Hội quán.
Tân Thuận Tây là xã vùng ven của thành phố Cao Lãnh, nằm cạnh sông Tiền, trong 978 ha diện tích tự nhiên, xã có 520 ha cây ăn trái; 1.200 hộ làm vườn.
Đây là hai hội quán có khoảng 100 thành viên, được thành lập vào năm 2017 nhằm liên kết nông dân lại để bàn những nội dung có liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như an ninh, trật tự tại địa phương. Ban Chủ nhiệm và các thành viên hội quán có nhiệm vụ tập trung để bàn chuyện đổi mới trong cách làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập và phát triển, nhằm mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho các thành viên và cộng đồng, xã hội.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như những kết quả của các hội quán với tinh thần “chăm chỉ, tự lực và hợp tác” đã đạt được trong thời gian qua. Với đặc trưng nông nghiệp là thế mạnh, thu nhập chính của hội viên từ vườn cây ăn trái (xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc và xoài tượng da xanh là chính). Đây là căn cứ để Ban Chủ niệm xây dựng nội dung, kế hoạch sinh hoạt thường xuyên theo chuyên đề định kỳ hằng tháng xác thực, gần gũi với nhu cầu thực tế của hội viên.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi nghe các thành viên cho biết, sau khi tham gia hội quán, về kinh tế đã giải quyết được bài toán trồng cây manh mún, nhỏ lẻ. Từ hội quán, người nông dân đã liên kết, sản xuất sản phẩm có thương hiệu bán ở thị trường trong nước và một số xuất khẩu. Cùng với đó, hội quán còn phát huy tinh thần chia sẻ, hỗ trợ, thể hiện “tình làng nghĩa xóm” trong cộng đồng, vận động hội viên tham gia thực hiện nhiều công trình phúc lợi xã hội, Thuận Tân Hội quán đã vận động 40 hộ của ấp Tân Dân làm tuyến đường làng dài 400 mét, kinh phí 90 triệu đồng do các hội viên tự nguyện quyên góp; vận động bà con trồng xây xanh và hoa trên các tuyến đường địa phương…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tỉnh Đồng Tháp hiện có khoảng 80 hội quán, đây là mô hình hay, độc đáo cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cần được tổng kết, đánh giá, từ đó có thể đưa vào trong chủ trương, chính sách để khuyến khích nhân rộng phát triển mô hình này.
* Đến thăm Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh cách làm mới, sáng tạo của bà con nông dân nơi đây. Cho rằng cách làm “cây xoài nhà tôi”, “cây cam vườn tôi”, “ruộng nhà mình” tại địa phương là cách làm mới, phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng sản xuất nông nghiệp, được nông dân ủng hộ. Điều quan trọng nhất là đã gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng cũng như gắn kết tình cảm giữa người tiêu dùng và người nông dân làm ra sản phẩm – một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng. Ở đây không còn làm nông nghiệp đơn thuần, những nông dân thời công nghệ đã tập hợp lại trong hợp tác xã để xây dựng thương hiệu xoài, cũng như dần chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn, có truy xuất nguồn gốc, bán trực tiếp sản phẩm cho người tiêu dùng thông qua mạng internet… hướng tới xuất khẩu vào những thị trường khó tính cũng như bán theo địa chỉ tại những tỉnh, thành phố trong cả nước, từ đó tăng thêm giá trị trên mỗi sản phẩm, kéo theo đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên.
Cũng trong sáng 4/9, tại Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Mẫn, sinh năm 1930 tại ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ; gia đình thương binh Huỳnh Văn Bé (tỷ lệ thương tật 81%), sinh năm 1948, ở khóm Mỹ Thuận, thị trấn Mỹ Thọ - Cao Lãnh.
Trước đó, chiều 3/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (102 tuổi) đang sinh sống tại thành phố Cao Lãnh. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Cuộc đời Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo gắn liền với nhạc tài tử Nam bộ và chặng đường trên 80 năm của sân khấu Cải lương Nam bộ. Tháng 4/2018, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo quyết định tặng toàn bộ tài liệu sáng tác và giảng dạy âm nhạc trên 80 năm cho tỉnh Đồng Tháp và trở về sống tại quê hương, để góp phần bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử của Đồng Tháp.