Các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên chất vấn. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trả lời đúng nội dung câu hỏi Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết rất hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà vì đã nêu ra nhiều giải pháp, khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, mà ngân sách nhà nước không đủ để đầu tư. Theo đại biểu, việc Bộ trưởng đưa ra giải pháp là tất cả các địa phương cần có sự quan tâm, phối hợp đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp có khả năng tham gia giải quyết các vấn đề về môi trường là rất tốt.
Đánh giá về chất lượng phiên chất vấn, đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, điểm hay nhất của Kỳ họp lần này sự đổi mới về mặt thời gian. Việc hỏi nhanh, đáp gọn và tranh luận sôi nổi vừa mang tính khoa học, vừa thể hiện sự quan tâm, chuẩn bị kỹ càng của các đại biểu về vấn đề được dư luận quan tâm.
Có thể trả lời nhanh được những câu hỏi cũng cho thấy năng lực, bản lĩnh của Bộ trưởng về lĩnh vực mà mình đang quản lý. Theo đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã trả lời rất đúng trọng tâm, đáp ứng những thắc mắc mà người dân cả nước đang quan tâm.
Đồng tình với đánh giá trên, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, với phương thức đổi mới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời khá gọn, đúng nội dung câu hỏi mà đại biểu nêu. Sau trả lời, phần tranh luận trở lại không nhiều, chứng tỏ các đại biểu đã khá hài lòng. Tuy nhiên, do thời gian ngắn, câu trả lời có lúc chưa có những giải pháp thật cụ thể.
Đại biểu mong rằng, bằng việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng sẽ thực hiện cam kết của mình với đại biểu và Quốc hội bằng những giải pháp cụ thể; từ đó, đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành Tài nguyên và Môi trường.
Đáp ứng được yêu cầu Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) ghi nhận các câu trả lời cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu, tuy nhiên mới chỉ ở mức độ bao quát trên tầm vĩ mô. Những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân cũng như trách nhiệm của các cấp ngành khác nhau, đặc biệt là chính quyền địa phương, chưa thể hiện được rõ.
Đại biểu nêu ví dụ về trường hợp hai nhà máy thép ở Đà Nẵng sau khi hoạt động đã bị buộc phải đóng cửa vì sự ô nhiễm không chỉ giới hạn ở khói bụi mà chính quyền thành phố đã có căn cứ để khẳng định, hoạt động của nhà máy còn dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ người dân, đại biểu cho rằng cần phải có những quy định cụ thể hơn ngay từ khi doanh nghiệp chưa hoạt động. "Nếu tương lai có thêm một nhà máy khác cũng có thể gây ô nhiễm mà đương nhiên người dân phải chịu. Quy mô mỗi nhà máy khác nhau và cũng đã áp dụng công nghệ theo đúng quy chuẩn, nhưng vẫn xảy ra ô nhiễm thì làm thế nào?", đại biểu nêu ý kiến.
Liên quan đến nội dung câu hỏi chất vấn, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng trong một phiên chất vấn, mọi vấn đề cần được đặt ra và giải quyết sẽ đáp ứng yêu cầu của đại biểu cũng như nguyện vọng của cử tri. Khi tham gia chất vấn, nhiều đại biểu đã mất công sức để chuẩn bị nội dung, vì vậy khi có câu hỏi trùng nên chuyển sang câu hỏi khác để nhiều đại biểu được nêu ý kiến. Đại biểu Phạm Tất Thắng đề nghị chủ tọa chủ động chuyển câu hỏi khi thấy trùng nội dung, việc này đem lại hiệu quả hơn cho phiên chất vấn, đồng thời tránh được hiểu lầm của cử tri là Quốc hội chỉ tập trung vào một vấn đề.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Vĩnh Long mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng khác nên dành nhiều thời gian hơn trong việc tham mưu, xây dựng cơ chế chính sách, đồng thời chỉ đạo những vấn đề lớn mang tính cốt yếu nhất. Những vấn đề nhỏ liên quan đến sự vụ cũng cần quan tâm, nhưng phải giao cho cấp dưới xử lý, quan tâm quá sẽ không có thời gian giải quyết những vấn đề lớn mang tính chiến lược...