Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tinh giản biên chế

Giai đoạn 2011 – 2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đạt được một số chuyển biến tích cực.

Đây là nhận định của các đại biểu bên lề phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 ngày 30/10.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Các đại biểu cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao đối với việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn "gối đầu" giữa ba nhiệm kỳ Quốc hội. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã đưa ra những quyết sách quan trọng về cải cách bộ máy Nhà nước nói riêng, cải cách hành chính trong từng cơ quan, đơn vị trong bộ máy Nhà nước nói chung.

Theo các đại biểu, việc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế không thể đặt trong từng cơ quan mà phải được xem xét trong tổng thể của bộ máy Nhà nước và cải cách hệ thống chính trị nói chung. Qua giám sát cùng kiến nghị của cử tri và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương đã hình thành bức tranh tổng thể về cải cách hành chính Nhà nước, cải cách hệ thống chính trị nói chung để Quốc hội có những quyết sách đưa vào Nghị quyết trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, cải cách tổ chức bộ máy hành chính thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, con số đạt được khá khiêm tốn, tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong hai năm 2015 và 2016 là 2.253 người trên tổng số 272.952 biên chế, mới đạt 0,83%. Theo đại biểu, con số tinh giản biên chế còn thấp là do quá trình trong một thời gian dài bộ máy của ta còn cồng kềnh. Quy định về hạn chế biên chế với các cơ quan Trung ương, cơ quan cấp tỉnh lại khiến phát sinh vấn đề chia tách và những vấn đề khác, khiến cho biên chế chỗ này giảm nhưng thực chất chỗ khác lại đội lên, do vậy kết quả tổng thể chưa được cao.

Đại biểu cho rằng, cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu về quyền quyết định con người cũng như về ngân sách để thực hiện tinh giản biên chế. Đây là giải pháp đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc phát huy vai trò quản lý hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tinh giản biên chế đối với đội ngũ cán bộ. Hà Nội cũng đang áp dụng mạnh mẽ việc quản lý trên cơ sở thành phố điện tử, đặc biệt là triển khai mạnh mẽ cách mạng công nghệ 4.0 vào trong vấn đề quản lý; từ nền tảng này sẽ đạt được hiệu quả cao trong tinh giản biên chế.

"Làm thế nào để quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2020? Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải có những biện pháp tổng thể để giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành ở mỗi địa phương, xác định vị trí biên chế con người cho phù hợp", đại biểu Nguyễn Văn Chiến nêu ý kiến.

Tuy nhiên, với những giải pháp đã được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Chiến bày tỏ tin tưởng Chính phủ sẽ có những biện pháp quyết liệt để thực hiện tốt việc đồng bộ hóa những quy định của pháp luật cũng như những biện pháp thực tiễn để tinh giản biên chế. Từ đó, hoạt động tinh giản biên chế sẽ thực sự đạt hiệu quả, phát huy hiệu lực để lập lại lòng tin của người dân đối với bộ máy hành chính Nhà nước, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, ngoài giải pháp thống nhất các văn bản của Đảng, Nhà nước quy định về bộ máy hành chính Nhà nước và biên chế, giải pháp tiếp theo là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Song song với việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu, cần tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức của tất cả các cơ quan để hình thành một cơ chế thống nhất. Tập trung ba giải pháp đó, tinh giản biên chế, cải cách hành chính mới có hiệu quả được

“Như lâu nay, nói là tinh giản biên chế thực chất là người đến tuổi về hưu chứ  không có người nào không hoàn thành nhiệm vụ mà đưa ra khỏi bộ máy. Tinh giản bộ máy nhưng biên chế lại tăng thêm. Bộ máy hành chính ngày càng tách nhỏ. Những điều này đều ngược với chủ trương nhưng không ai phải chịu trách nhiệm cả. Đó là việc không quy trách nhiệm được cho người đứng đầu”, đại biểu Trần Đình Gia dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu quan điểm: "Cải cách hành chính Nhà nước không thể triển khai riêng lẻ mà phải từ tổng thể, từ biên chế, tổ chức, cơ cấu bên trong của các cơ quan, bộ ngành thì mới có thể đi đến hiệu quả cao". Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần phải có một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức; từ đó đưa ra khỏi bộ máy những công chức không đủ tiêu chuẩn, năng lực. Tinh giản biên chế mà không có tiêu chí đánh giá cụ thể và sự công tâm của lãnh đạo thì có nguy cơ loại bỏ những người được việc ra khỏi bộ máy.

Về ý kiến liên quan đến vấn đề chưa xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cán bộ, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có những quy định rõ ràng về nội dung này, do đó vai trò triển khai, thực hiện những quy định này của các bộ, ngành, chính quyền địa phương rất quan trọng.

Hiền Hạnh – Xuân Tùng (TTXVN)
Sóc Trăng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ
Sóc Trăng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ

Trong những năm gần đây, Sóc Trăng đã phát triển mạnh đội tàu khai thác xa bờ để bảo vệ nguồn lợi ven biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN