Trao đổi bên hành lang Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá, Đề án được chuẩn bị công phu, có tính khoa học và thực tiễn cao, giải quyết căn cơ một số yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đại biểu Thào Xuân Sùng (Hà Giang) chỉ rõ, Đề án được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, lấy ý kiến đông đảo của các bộ, ngành, địa phương, thể hiện nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trên cả nước. Việc Quốc hội ban hành chính sách dân tộc cũng thể hiện sự mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân về thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau giữa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. "Đây là tư tưởng, đường lối chiến lược thể hiện rất rõ trong Cương lĩnh chính trị từ khi thành lập Đảng đến nay. Vì vậy, Đề án khung này khi được thông qua sẽ định hướng cụ thể, mang tính quy phạm pháp luật về việc thực thi của Chính phủ, chính quyền các cấp trong việc thể chế hóa các nguyên tắc này”, đại biểu Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng với Đề án này, tính hiệu lực, hiệu quả của các quyết định mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, theo đại biểu, xét về mặt chính trị cũng như thực tiễn, Đề án sẽ cổ vũ, động viên tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào, tạo nên phong trào thi đua, phát huy sức mạnh nội lực của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nhấn mạnh rằng khi Nhà nước hỗ trợ đúng và trúng sẽ tạo động lực để người dân vươn lên, đại biểu Thào Xuân Sùng phân tích, nếu Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã… đầu tư nguồn lực, chuyển giao công nghệ thì bà con vùng dân tộc thiểu số sẽ tạo được sinh kế bền vững, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo. “Bà con không biết cách bón phân như thế nào để cây trồng có năng suất, chất lượng. Bà con cũng không hiểu khí hậu thổ nhưỡng, sự tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu đối với trồng trọt, chăn nuôi. Những tri thức dân gian không đủ để giúp người dân sản xuất theo chuỗi giá trị mà phải cần có cơ sở khoa học, kiến thức công nghệ”, đại biểu dẫn chứng.
Do đó, đại biểu cho rằng Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… mạnh dạn đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Các đơn vị này không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn chuyển giao kiến thức sản xuất, cây trồng… cho bà con. “Nếu Đề án được thông qua thì từ nay đến năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải thể chế hóa, cụ thể hóa bằng hệ thống chính sách đồng bộ. Khi đó, những vùng "lõi nghèo" mới có động lực vươn lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) nhận định, việc Quốc hội biểu quyết Đề án có ý nghĩa quan trọng, sâu sắc cả về chính trị và xã hội. Bên cạnh phát triển kinh tế, Đề án cũng quan tâm đến vấn đề văn hóa và giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. “Đề án có tính khả thi rất lớn, khi triển khai sẽ phát triển bền vững không những về kinh tế mà còn về văn hóa, xã hội. Nội dung cốt lõi của Đề án đã quan tâm đến quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa”, đại biểu Triệu Thế Hùng nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), sau khi Đề án được thông qua, Chính phủ phải tính toán để làm sao trong nguồn lực có hạn sẽ ưu tiên những vấn đề trọng điểm. Trong từng giai đoạn cũng cần có sự ưu tiên cho từng vùng, từng nội dung, từng lĩnh vực. Qua nghiên cứu, đại biểu đánh giá, hiện nay có rất nhiều chính sách cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, có những chính sách chưa đủ nguồn lực để triển khai đến cơ sở. Trong khi đó, ngân sách còn khá hạn hẹp. Vì thế, Chính phủ phải tính toán nên ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực nào.