Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều chồng chéo giữa các chính sách và cách thức thực hiện. Do đó, để các dân tộc đặc biệt khó khăn phát triển ngang bằng với các dân tộc khác trong vùng cần có những cơ chế chính sách mở, những điều chỉnh phù hợp trong phân bổ nguồn vốn, định mức hỗ trợ và cách thức thực hiện.
Xóa bỏ thói quen trông chờ, ỷ lại
Đồng bào dân tộc Mảng ở huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có hơn 650 hộ với hơn 3.100 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 14 bản thuộc 5 xã Nậm Ban, Nậm Pì, Hua Bum, Nậm Hàng và Trung Chải. Do điều kiện tự nhiên khó khăn, địa bàn cư trú của người dân chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tập tục canh tác lạc hậu nhưng từ khi các chính sách của Nhà nước được hỗ trợ tới vùng đồng bào như Đề án 1672 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, Nghị quyết số 30a về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”… cùng với sự tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, trình độ nhận thức của một bộ phận bà con dân tộc Mảng được nâng lên.
Nhờ những chính sách hỗ trợ cây, con giống thông qua các Đề án, chương trình mà nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Mảng đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Điển hình như gia đình ông Lù A Tiên ở bản Nậm Sảo 1, xã Trung Chải (huyện Nậm Nhùn) - một trong những người đi đầu về định canh phát triển kinh tế của đồng bào Mảng.
Ông Tiên tâm sự: Bản thân tôi cũng như những người Mảng trước đây nghèo lắm, gần như không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Khi được Nhà nước hỗ trợ cho trâu giống và hướng dẫn cách chăn nuôi tôi đã làm theo. Sau khi quen cách chăn nuôi, tôi tiếp tục phát triển thêm nuôi bò, dê; trồng thêm dong riềng, nghệ trong vườn nhà và trên nương. Cứ như thế đàn trâu, bò, dê phát triển có lúc lên đến gần trăm con. Tiền bán gia súc cộng với dong riềng và nghệ mỗi năm cũng hơn một trăm triệu. Giờ thì gia đình tôi thoát nghèo, con cái được ăn học đàng hoàng.
Theo chị Lý Me Hồng ở bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, những người nghèo trong bản là do lười làm. Nhà nước hỗ trợ gạo, ăn hết xong cũng không đi làm; nếu làm được đồng nào tiêu hết đồng đấy. Khi mới lập gia đình, vợ chồng chị cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Nhờ Nhà nước hỗ trợ con giống ban đầu, rồi vợ chồng chị chăm chỉ làm ăn tiết kiệm, tích góp được số tiền lớn thì mua thêm dê, thêm bò để phát triển.
Là người sinh sống nhiều năm trong vùng đồng bào dân tộc Mảng, ông Trần Văn Nam - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải cho rằng, nếu bà con chăm chỉ làm ăn cùng với những chính sách hỗ trợ cây, con giống phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng đối tượng cụ thể, hiệu quả chắc chắn sẽ rất lớn. Ở xã Trung Chải mô hình trồng dong riềng, nghệ và chăn nuôi gia súc tập trung rất phù hợp nên khi được Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ dân tộc Mảng đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.
Cần có chính sách đặc thù
Ông Hà Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn khẳng định, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện.
Thông qua chính sách này cũng thấy có hiệu quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đã giảm qua từng năm. Tuy nhiên huyện cũng kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn, mức hỗ trợ cao hơn để đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.
Đồng bào dân tộc Mảng còn khó khăn về nhiều mặt do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng ở các vùng đồng bào Mảng sinh sống rất khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước và tập tục sản xuất, canh tác còn lạc hậu chưa theo kịp với các dân tộc khác do đó cần có chính sách, đề án riêng và không nên hỗ trợ trực tiếp mà nên hỗ trợ theo hình thức gián tiếp để tránh sự trông chờ, ỷ lại. Đồng thời đầu tư để chính người dân tự ý thức vươn lên như đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; xuất khẩu lao động; khoanh nuôi, trồng rừng hưởng lợi phí dịch vụ...
Theo ông Trần Văn Nam - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc Mảng quá thấp, vì thế, Đảng và Nhà nước quan tâm có những chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực…
Con em dân tộc Mảng sau khi được học và tốt nghiệp các trường Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học cần có chính sách ưu tiên tuyển dụng làm cán bộ công chức, lãnh đạo xã hoặc trưởng các đoàn thể xã, để họ trực tiếp tác động, tuyên truyền cho đồng bào Mảng hiệu quả sẽ cao hơn.
Là người dân tộc Mảng, ông Lò A Tư - đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, với các dân tộc khó khăn như dân tộc Mảng nên có chính sách, đề án riêng, trong đó chọn các nhóm hỗ trợ cho các đối tượng và vùng sinh sống phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng, hợp với cây, con gì sẽ đầu tư trọng tâm, trọng điểm; đồng thời quan tâm hỗ trợ để bà con trồng rừng, gắn trồng rừng với phát triển chăn nuôi gia súc..., có như vậy thì đồng bào dân tộc Mảng mới thực sự vươn lên được.