Đó là nhận xét của Giáo sư, Tiến sĩ Pierre Journoud, giảng viên chuyên ngành lịch sử đương đại thuộc Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 (Pháp) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris về bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Theo Giáo sư Pierre Journoud, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là văn kiện quan trọng, tổng hợp một cách cân đối và khéo léo giữa việc kế thừa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tình hình thực tiễn của Việt Nam, trong đó các nhà lãnh đạo Việt Nam đã vận dụng hiệu quả những điểm tích cực của nền kinh tế thị trường.
Giáo sư Pierre Journoud nêu rõ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích một cách sáng suốt những mâu thuẫn và hạn chế của chủ nghĩa tư bản - nguồn gốc của nhiều xung đột xã hội. Ông nhận định việc vận dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào nền kinh tế Việt Nam đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất cũng như phát triển khoa học và công nghệ.
Theo ông, một trong những thành tựu quan trọng nhất mà Việt Nam đạt được kể từ sau Đổi mới là duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, nhờ đó, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Thành tựu thứ hai là chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ông Pierre Journoud nhấn mạnh Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, đặc biệt trong ASEAN cũng như trên trường quốc tế. Các cam kết của Việt Nam tại Liên hợp quốc hoặc các hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi đang làm phong phú thêm kinh nghiệm và củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chuyên gia Pháp đánh giá: "Việt Nam đang trên đường trở thành cường quốc khu vực".
Giáo sư Pierre Journoud cũng ấn tượng với việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những khuyết điểm và hạn chế còn tồn tại trong Đảng, đồng thời kêu gọi tăng cường chỉnh đốn Đảng.
Đề cập tới những thách thức đối với Việt Nam, Giáo sư Pierre Journoud cho rằng Việt Nam cần quan tâm xây dựng chính sách phát triển bền vững hơn và dài hạn hơn, theo hướng chủ động giảm thiểu sự bất bình đẳng mà tăng trưởng kinh tế gây ra; bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng cho tất cả người dân đối với giáo dục công có chất lượng; bảo tồn bản sắc, văn hóa vùng miền nói chung và cả những truyền thống tốt đẹp của Việt Nam... trước những mặt trái của toàn cầu hóa và nỗi ám ảnh về nhu cầu hưởng thụ vật chất... Giáo sư Pierre Journoud cũng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, vốn được tiến hành quyết liệt và minh bạch thời gian qua.