Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, mục đích của đề án là nhằm xây dựng mô hình cơ quan giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh, vừa tinh gọn bộ máy tổ chức, vừa hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Khi đề án được triển khai sẽ giảm các đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, từ nay đến cuối năm 2018, các văn bản hướng dẫn, quy chế hoạt động mẫu sẽ được hoàn thiện đầy đủ. Trong thời gian đó, các địa phương triển khai thí điểm cũng sẽ thực hiện công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch sắp xếp bộ máy để khi bắt đầu triển khai đề án (ngày 1/1/2019), các địa phương có thể đi vào ổn định hoạt động.
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đồng thuận cao chủ trương hợp nhất ba văn phòng thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên các đại biểu nhấn mạnh, việc hợp nhất ba văn phòng không chỉ là sáp nhập cơ học mà cần nghiên cứu, đề cập sâu hơn tới tính hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy sau khi hợp nhất.
Để triển khai đề án đạt hiệu quả, các đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, thống nhất tư tưởng cán bộ cũng như cử tri về mục tiêu thực hiện đề án nhằm tạo sự đồng thuận chung trong xã hội. Cùng với đó, cần sớm ban hành quy chế hoạt động để cụ thể hóa đề án, trong đó có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về công tác tổ chức cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động… của Văn phòng ở các địa phương.
Góp ý cho dự thảo đề án, các đại biểu nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của Văn phòng chung sau khi hợp nhất sẽ là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND cấp tỉnh. Văn phòng là cơ quan tương đương cấp Sở, trực thuộc UBND cấp tỉnh nhưng không phải là cơ quan chuyên môn.
Về cơ cấu tổ chức, đa số các đại biểu cho rằng Văn phòng có tối đa 11 phòng và đơn vị sự nghiệp. Các phòng có chức năng độc lập và được thành lập theo nhiệm vụ của chủ thể phục vụ là Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND hoặc UBND. Điều này giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tham mưu, giúp việc của Văn phòng cho ba cơ quan; đảm bảo sự độc lập tương đối trong chức năng giám sát và chịu sự giám sát của các cơ quan.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, đề án chỉ nên quy định số lượng phòng tối đa, không nên quy định cụ thể tên gọi, chức năng các phòng mà tùy vào thực tế các địa phương có thể linh hoạt. Còn về nhiệm vụ của Văn phòng, đề án cũng chỉ nên quy định khung nhiệm vụ chung, cần có cơ chế mở để các địa phương có thể bổ sung để phù hợp với yêu cầu hoạt động trên thực tế.
Theo dự thảo đề án, sau khi hợp nhất, dự kiến Văn phòng chung còn từ 80 đến 100 biên chế. So với hiện trạng ở các địa phương thì số lượng biên chế sẽ giảm mạnh. Đây là vấn đề mà nhiều địa phương còn băn khoăn, đồng thời kiến nghị Ban soạn thảo đề án cần có đánh giá tác động của đề án đến các đối tượng, để có cơ sở sắp xếp lực lượng dôi dư.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc sau khi hợp nhất sẽ khó phát huy chức năng tham mưu cho cơ quan giám sát mà thiên về công tác điều hành nhiều hơn. Một số đại biểu cho rằng, thời gian thực hiện thí điểm đề án trong một năm là chưa hợp lý bởi sau khi triển khai đề án, công tác sắp xếp bộ máy mất khá nhiều thời gian mới có thể đi vào hoạt động ổn định. Do vậy, thực hiện thí điểm đề án trong một năm chưa thể đánh giá được hiệu quả hoạt động cũng như chưa bộc lộ hết những hạn chế, khó khăn để rút kinh nghiệm.