Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày các báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 (Nghị quyết 115) về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến đối với nội dung trên.
Chính sách đặc thù phát huy hiệu quả
Theo báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết 54, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền Thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 54. Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm theo Nghị quyết số 54 về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, trừ giai đoạn dịch bệnh, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao; bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Sau giai đoạn tăng trưởng chậm ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% giai đoạn 2011-2015).
Chính sách đặc thù về quản lý đất đai cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trong 5 năm, Hội đồng nhân dân Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79 ha.
Thành phố cũng cơ bản thực hiện tốt một số cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và con người: Tăng cường phân cấp, cơ chế ủy quyền; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tạo lập cơ chế thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Theo Báo cáo, Thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, theo đó năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.
Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54…
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, với vai trò là Thủ đô của cả nước, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý; huy động và chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước; chia sẻ khó khăn, tăng cường gắn kết nguồn lực giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cũng chỉ ra, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay UBND thành phố mới báo cáo Hội đồng nhân dân thông qua 1/6 Đề án phí. Việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho thành phố. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa kịp thời; một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Nghị quyết khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ thực hiện của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan. Việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình chưa kịp thời…
Về kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 54
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng việc Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54, theo đó cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023 là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống nhất ý kiến đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 thêm một năm do thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh mất hai năm dồn lực chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, không cần ban hành một nghị quyết riêng của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện thí điểm, cần nghiên cứu và tổng kết thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện để đề nghị sửa luôn vào các luật trong năm 2023, bởi mục đích của việc thí điểm nếu thấy phù hợp với thực tiễn thì đưa vào luật.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua còn một số vướng mắc do có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điển hình là những nội dung còn vướng trong các quy định của Luật Đầu tư; việc chậm có phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Đối với thành phố Hà Nội, các đại biểu ghi nhận những kết quả đạt được trong ba năm và yêu cầu Chính phủ, thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp các cơ quan để thực hiện thời gian còn lại, trong quá trình thực hiện Nghị quyết thường xuyên tiến hành tổng kết, sơ kết, nếu thấy vấn đề đã chín, đã rõ có thể đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội trong năm 2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nêu quan điểm, nên có báo cáo sơ kết thực hiện đối với Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, để hoàn thiện báo cáo về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, Chính phủ cần hoàn thiện sửa đổi Luật Thủ đô để đến đúng thời điểm tổng kết trình Quốc hội xem xét Luật Thủ đô (sửa đổi).
Hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận các địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã rất nhanh chóng, tập trung tiến hành thẩm tra kĩ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội khẳng định hai nghị quyết trên là cần thiết, quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn. Việc ban hành hai Nghị quyết trên đã hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội đối với 2 trung tâm lớn của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội làm rõ, trong quá trình thí điểm, một số cơ chế, chính sách được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi nghiên cứu xây dựng chính sách chung, đại trà. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng chính sách tăng nguồn chi cho tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động ở các địa phương. Từ một nội dung ban đầu tại Nghị quyết 54, nay đã được quy định tại Nghị quyết 27 do Trung ương ban hành về cải cách chính sách tiền lương và được một số địa phương áp dụng như Hải Phòng, Hà Nội. “Thí điểm nếu tốt sẽ được nhân rộng. Đây là hướng đi đúng đắn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá việc ban hành hai Nghị quyết này là quyết sách đúng đắn của Quốc hội.
Với Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh, cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, phân tích tác động cụ thể của từng chính sách, đánh giá kỹ hơn khâu tổ chức thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân một số chính sách, cơ chế chưa thực hiện hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4.
Về Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, cần đánh giá kỹ hơn các cơ chế, chính sách thí điểm, kết quả và tác động cụ thể của từng chính sách đã thực hiện, khó khăn vướng mắc và giải pháp triển khai chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế, chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách cho thành phố Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn của Nghị quyết 115.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo tổng kết, sơ kết hai Nghị quyết gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Bộ Nhận diện Quốc hội Việt Nam và một số nội dung khác.