Các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế trong quá trình soạn thảo và phản biện sâu sắc của Bộ nhằm mục đích chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Đại biểu nhấn mạnh, việc phòng chống tác hại rượu, bia phải được thực hiện một cách triệt để, không nên ngụỵ biện rằng người uống có trách nhiệm hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Về ý kiến cho rằng thông qua Luật này là khai tử ngành rượu, bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân lưu ý, phải đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành…
"Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước” - đại biểu thẳng thắn nêu ý kiến.
Về tên gọi của dự án Luật, đa số ý kiến nhất trí với tên gọi “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) lý giải: Theo Tổ chức Y tế thế giới và hầu hết các nghiên cứu đã khẳng định, không có một ngưỡng an toàn nào cho sức khỏe khi sử dụng rượu. bia.
Bởi lẽ rượu, bia khi vào cơ thể đều gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết - bộ phận quan trọng của con người; tùy theo giới tính, độ tuổi, đặc điểm sinh học cá nhân và tùy mức uống, cách uống mà gây ra tác hại khác nhau với từng người.
Ngoài ra, rượu bia chứa cồn là chất gây nghiện, được xếp vào nhóm chất gây ung thư nên khi sử dụng, mức uống sẽ tăng dần, theo thời gian dễ bị lệ thuộc và trở thành con nghiện lúc nào không biết.
"Với quan điểm, phòng bệnh hơn chữa bệnh nên việc phòng chống tác hại rượu, bia phải được tiến hành chủ động từ sớm bằng các biện pháp phòng ngừa chứ không chỉ ứng phó khi các hậu quả tiêu cực đã xảy ra; khi đó, chi phí khắc phục hậu quả rất tốn kém".
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Băn khoăn về tính ổn định của văn bản, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan, tác động trực tiếp đến nguồn lực ngân sách, an ninh tài chính quốc gia nhưng đây cũng là một trong những Luật có đời sống ngắn nhất khi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung; một số quy định chưa bao quát được hết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đại biểu đề nghị lần sửa đổi này, Ban soạn thảo cần đánh giá một cách bao quát, đầy đủ các vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Chỉ rõ những quy định bất cập trong dự án Luật, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu một số dẫn chứng liên quan như: Quy định quản lý ODA mâu thuẫn với Luật quản lý nợ công. Quan tâm đến việc công khai, minh bạch trong đầu tư công, các đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Luật cần công khai minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi giám sát, thanh tra kiểm tra sử dụng nguồn vốn đầu tư công tránh thất thoát lãng phí. Hiện, dự án Luật chưa thể hiện rõ quan điểm này nên cần bổ sung.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) đề nghị, bổ sung việc duy tu, sửa chữa các công trình giao thông vào đối tượng đầu tư công. Bởi, thực tế hiện nay nhiều công trình giao thông đang hư hỏng, biến đổi khí hậu đã làm sạt lở, ngập lụt khiến các công trình giao thông hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn nhiều hơn, trong khi đó quỹ bảo trì đường bộ mới đáp ứng 40% nhu cầu, còn địa phương mới đáp ứng 15%. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng các công trình giao thông vào đầu tư công là rất cần thiết...