Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trước khi có Luật Đầu tư công thì có một bất cập lớn là việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, gắn nguồn lực đầu tư với quyết định đầu tư. Hiện có tình trạng các dự án phải chờ vốn vì mặc dù quyết định dự án rồi nhưng không có nguồn vốn khiến dự án treo trong thời gian dài.
Luật Đầu tư công ra đời đã đã cơ bản xử lý được vấn đề này. Tình trạng dự án dàn trải vẫn còn, nhưng không còn tình trạng phê duyệt dự án dù chưa có vốn đầu tư.
"Vấn đề là số lượng dự án vẫn nhiều, nên việc bố trí vốn hằng năm cho dự án còn ít, đây là thực tế mà Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ xử lý, đem lại kết quả tốt hơn", ông Nhã nói.
Theo đại biểu Đinh Văn Nhã: Số vốn dự phòng 2 năm còn lại không nhiều, trên dưới 182.000 tỷ đồng và có nhiều khoản lớn dành cho các chương trình lớn. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phải phân bổ theo đúng nguyên tắc: Ưu tiên dành cho dự án dở dang để hoàn thành đưa vào hoạt động rồi mới chuyển sang dự án mới. Với vai trò, trách nhiệm của mình, nếu Bộ Kế hoạch - Đầu tư "cầm trịch" được, giữ được kỷ cương ngân sách theo nguyên tắc đó thì các dự án mới dàn trải sẽ không phát sinh.
Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, tuy nhiên phải mất khoảng nửa năm nữa mới có danh mục dự án phê duyệt chủ trương đầu tư để Quốc hội quyết định phân bổ vốn đầu tư.
Phó Chủ nhiệm Đinh Văn Nhã ủng hộ dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi của Chính phủ, theo hướng mở danh mục các dự án đã hoàn thiện thủ tục, chủ trương đầu tư và cả dự án đang bắt đầu chuẩn bị đầu tư vẫn đưa vào danh mục đầu tư công 3 năm để hằng năm, khi Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách thì những dự án đó đều hoàn thiện 100% thủ tục đầu tư, khi có tiền là thực hiện ngay. Không còn câu chuyện Quốc hội bố trí ngân sách cho dự án chưa đủ thủ tục đầu tư.
Ông Đinh Văn Nhã cho rằng, với cách làm như vậy thì chất lượng đầu tư công sẽ thay đổi. Việc này không phát sinh thêm thủ tục mới vì nó tương đồng với kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm mà Chính phủ đang hướng dẫn các Bộ ngành, địa phương làm.
"Hằng năm khi xây dựng dự toán, Bộ Tài chính sẽ đưa ra con số kiểm tra về nguồn lực cho năm sau theo hình thức "cuốn chiếu". Các Bộ ngành, địa phương tự tính, tự điều chỉnh. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm nay đã làm rồi, chỉ thêm cái mới là danh mục đầu tư điều chỉnh thế nào. Các Bộ ngành địa phương sẽ rà soát xem dự án đầu tư nào mà cơ bản đã "hòm hòm" về thủ tục theo quy định thì đưa vào kế hoạch 3 năm, hằng năm điều chỉnh để làm sao số tiền Chính phủ phân cho các địa phương tương ứng với các dự án đã hoàn thành thủ tục ở từng năm", đại biểu Đinh Văn Nhã đánh giá.