Thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách tiền lương. Trong đó, tính toán kỹ lưỡng về tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung, cũng như nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ bằng chính sách đặc biệt.
Bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua có vai trò rất quan trọng, có mặt quyết định của mô hình y tế dự phòng, y tế cơ sở; đồng thời có vai trò quan trọng của đội ngũ nhân viên y tế, trong đó, có những người làm y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Qua đại dịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chúng ta đã nhận diện đầy đủ những khó khăn, bất cập về tổ chức bộ máy, nhân sự và nhiều mặt khác.
Làm rõ một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chúng ta đang có những khó khăn liên quan đến bộ máy của y tế cơ sở, y tế dự phòng, có mặt chưa đồng bộ, chưa thống nhất cả về mô hình tổ chức và công tác quản lý. Về nhân lực y tế, còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.
Để giải quyết tổng thể, Bộ trưởng cho rằng cần đặt việc giải quyết về bộ máy, nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng, y tế cơ sở trong tổng thể Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; nhưng cũng phải đặt trong yêu cầu về quan điểm theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; căn cứ vào yêu cầu thực tiễn phát sinh như dịch COVID-19 vừa qua, có nhìn nhận một cách tổng thể để có giải pháp phù hợp hơn thời gian tới.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến 2030 một cách căn cơ, cụ thể, chiến lược bảo đảm nhân lực khu vực công trong thời gian tới.
Đặc biệt, đánh giá một cách toàn diện về tổ chức bộ máy, về nhân lực y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo ổn định về bộ máy, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này; xem xét vấn đề quản lý để đảm bảo yêu cầu về mặt chính trị, xã hội, thực tiễn và pháp lý.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các bộ có liên quan để hoàn thiện cơ chế chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương, theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
“Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách tiền lương. Trong đó, cũng tính toán kỹ lưỡng về tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung, cũng như nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng để đảm bảo đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì sử dụng và đãi ngộ cũng đảm bảo chính sách đặc biệt”, bà Phạm Thị Thanh Trà nói.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách tuyển dụng; sử dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ đề nghị với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường…; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp y tế, nhất là y tế dự phòng.
Đồng thời, Bộ Nội vụ phối hợp để xác định rõ định mức biên chế trên cơ sở vị trí việc làm theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế-xã hội của các vùng miền, nhất là liên quan đến y tế cơ sở để xác định biên chế phù hợp theo yêu cầu thực tiễn; không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở.