Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Tại phiên thảo luận đã có 27 đại biểu phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Hội đồng dân tộc của Quốc hội. Các ý kiến đại biểu cho rằng, việc xây dựng Đề án là cần thiết. Các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí cao về việc cho phép tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2030, đối tượng điều chỉnh là các dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời, thống nhất tên gọi của Đề án là: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu cho rằng, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển; tốc độ tăng trưởng phát triển ở khu vực này đã tiến bộ hơn trước; cơ sở hạ tầng như đường, điện, trường học, trạm y tế, các công trình thủy lợi từng bước được đầu tư phát triển đồng bộ; công tác định canh, định cư luôn gắn với việc hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa góp phần giữ vững sự ổn định chính trị; công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số đã được quan tâm đúng mức.
Để góp phần hoàn thiện Đề án, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Những thành tựu, tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quan điểm xây dựng, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, phạm vi thực hiện của Đề án; tích hợp cơ chế, chính sách giữa các Chương trình mục tiêu; tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi; về bình đẳng giới, việc giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em; kinh phí và việc tổ chức thực hiện Đề án. Ngoài ra, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, như: Bảo đảm không gian sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm nguồn lực nâng cao vai trò của đồng bào trong việc bảo vệ biên cương của Tổ quốc; chính sách di dân, di cư nhằm hạn chế tình trạng đồng bào di dân tự do tàn phá môi trường; bảo tồn và phát huy văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có chính sách bố trí hợp lý việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; phát triển hạ tầng giao thông vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giải pháp chống tái nghèo; về kinh phí thực hiện Đề án, có ý kiến đề nghị cần rà soát cụ thể, tập trung một đầu mối, tránh phân tán; đảm bảo tính khả thi và huy động mọi nguồn lực trong xã hội; có chính sách thu hút vốn đầu tư trong việc tổ chức thực hiện Đề án.
Sau thảo luận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết; Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển. Việc Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định các chính sách dân tộc đúng với quy định tại Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 và thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan hoàn thiện Đề án trước khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về Đề án này.
Buổi chiều, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.
Tại phiên thảo luận đã có 18 đại biểu phát biểu và 3 đại biểu tranh luận. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, cụ thể như sau:
1. Về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước: Các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Nghị quyết, như: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết; về nguyên tắc xử lý nợ; biện pháp xử lý nợ; và điều khoản thi hành; trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đóng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp Nhà nước; làm rõ tính thống nhất về một số khái niệm giữa dự thảo Nghị quyết và Luật Quản lý thuế; xem xét tác động của Nghị quyết đối với các đối tượng có liên quan...
2. Về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung xem xét cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ, cụ thể: Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 (10/2019), Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng với đề nghị cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, có 2 loại ý kiến: Đa số ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực đến thời điểm hai Nghị định hướng dẫn thi hành hai Luật này có hiệu lực cho các đối tượng liên quan là cần thiết, đồng thời giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang “treo” thuộc ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước. Một số ý kiến không đồng tình với đề xuất này, cho rằng việc cho lùi thời gian thực hiện quy định của pháp luật với lý do chậm ban hành Nghị định hướng dẫn sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời làm hụt một số khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, tranh luận về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước; làm rõ khái niệm “Lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; đưa nội dung lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước vào Nghị quyết kỳ họp thứ 8; về đề nghị lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm. Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung sau: Về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước tại một kỳ họp hay hai kỳ họp; có đồng ý xóa nợ tiền thuế như đề nghị của Chính phủ hay không; có đồng ý việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước hay không.
Ngày 4/11/2019, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2019; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.