Buổi sáng, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp.
Trước khi bắt đầu phiên họp theo lịch trình, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung và điều chỉnh Chương trình làm việc của Quốc hội chiều ngày 5/11/2019 về việc xem xét, quyết định phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020. Quốc hội biểu quyết thông qua bổ sung nội dung chương trình kỳ họp thứ 8, kết quả: 87,99% đại biểu tán thành.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo bước đầu việc giải quyết vụ việc 39 người chết trong xe tải đông lạnh tại Vương quốc Anh.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, những ngày qua vụ việc 39 người tử vong trong xe container tại Vương quốc Anh đã gây sự xúc động mạnh trên toàn thế giới. Quốc hội xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân; đồng thời, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phối hợp với các nước liên quan xác minh làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.
Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Quốc hội trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và công tác thi hành án năm 2019. Tại phiên thảo luận đã có 17 đại biểu phát biểu và 2 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu cơ bản tán thành với nội dung các báo cáo nêu trên.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã giải trình thêm những nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, qua một ngày rưỡi thảo luận tại Hội trường đã có 49 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu và 6 đại biểu tham gia tranh luận. Nhìn chung, các ý kiến của đại biểu rất tích cực, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan tư pháp và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, có nhiều đổi mới; việc thực hiện các nhiệm vụ đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Trong năm 2019, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tư pháp phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, trình Quốc hội thông qua.
Buổi chiều, từ 14 giờ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện và dự thảo Luật Thư viện. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những nội dung sau:
+ Về chính sách của Nhà nước với phát triển sự nghiệp thư viện, các đại biểu đồng tình với quy định chính sách của Nhà nước ở 3 cấp độ, một số hoạt động thư viện cần được đầu tư và hiện đại hóa, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thư viện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thư viện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cần bổ sung chính sách xã hội hóa để phát triển thư viện.
+ Về mạng lưới thư viện, các đại biểu cơ bản nhất trí với các khái niệm từng loại thư viện, bổ sung quy định về mô hình hoạt động các loại thư viện được quy định trong dự thảo Luật.
+ Về thành lập thư viện, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần phải quy định điều kiện thành lập thư viện chung cho cả thư viện công lập và ngoài công lập, trong đó thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập thư viện thực hiện theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập đối với thư viện công lập, các thư viện còn lại được thực hiện theo quy định của pháp luật điều chỉnh việc thành lập cơ quan, tổ chức chủ quản của thư viện.
+ Về phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện, các đại biểu thống nhất với nội dung về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thư viện lên mục Nhà nước đầu tư để nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thư viện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
+ Về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện, một số ý kiến đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể về quyền của một số đối tượng đặc thù trong lĩnh vực thư viện và quy định trách nhiệm của các thư viện trong việc phục vụ các đối tượng đặc thù nhằm tạo điều kiện cho đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận các dịch vụ thư viện.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã cho ý kiến về một số nội dung như: thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; nguồn tài chính của thư viện; liên thông thư viện; thư viện cộng đồng; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin; tài nguyên thông tin sử dụng hạn chế trong thư viện; chức năng của thư viện; quản lý nhà nước về thư viện; xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam.
Sau thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Thư viện sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua.
Từ 16 giờ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020. Sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Tại phiên thảo luận đã có 2 đại biểu phát biểu. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhìn chung, ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu băn khoăn về việc cho phép trình tự giao vốn như Luật Đầu tư công và đề nghị Chính phủ giải trình bằng văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, bổ sung vào các Dự thảo Nghị quyết Dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020, trước khi trình Quốc hội thông qua.
Thứ Tư, ngày 6/11/2019, buổi sáng, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ nhất: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn; các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội; Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Buổi chiều, từ 14 giờ đến 14 giờ 15, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan; các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục trả lời chất vấn và giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc Nhóm vấn đề thứ nhất.
Từ 15 giờ đến 17 giờ, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ hai: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn; các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.