Ngày 15/3, tại Trụ sở TTXVN, số 5, Lý Thường Kiệt - Hà Nội, gần 100 phóng viên lớp GP10 đã về gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày lên đường vào chiến trường miền Nam, tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Các đại biểu cùng ôn lại quá khứ hào hùng của phóng viên TTXVN qua những bức ảnh lịch sử. Ảnh TTXVN. |
Lãnh đạo TTXVN, các thế hệ lãnh đạo của VNTTX trước đây và TTXVN ngày nay; đại diện các Ban Biên tập, các đơn vị của TTXVN đã có mặt chúc mừng lớp phóng viên đặc biệt của TTXVN nhân 40 năm ngày kỷ niệm lịch sử (16/3/1973-16/3/2013).
40 năm trước, ngày 16/3/1973, hơn 100 cử nhân ưu tú từ các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ…được chọn lựa theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, về VNTTX để bồi dưỡng nghiệp vụ phóng viên chiến trường tăng cường cho TTXGP. Đây là lớp phóng viên đặc biệt vì họ là những phóng viên thông tấn được đào tạo đặc biệt, đi tác nghiệp trong hoàn cảnh đặc biệt - khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang bước vào thời kỳ sôi động nhất, quyết liệt nhất.
Lớp phóng viên GP10 ngày đó được phân công làm nhiệm vụ trên khắp các chiến trường từ mặt trận Bình Trị Thiên, Trung Trung Bộ khói lửa cho đến chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Dòng tin bài, ảnh thời sự của họ đã góp phần phản ánh chân thực và hùng hồn cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phóng viên GP10 cũng đã vinh dự có mặt cùng những cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong những ngày tháng Tư năm 1975 lịch sử. Nhiều phóng viên trong lớp GP10 sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng lại tiếp tục có mặt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của đất nước; làm nhiệm vụ trong cuộc chiến giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi hiểm họa diệt chủng, trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam thời kỳ Đổi Mới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, hơn 260 nhà báo, nhân viên kỹ thuật của TTXVN đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, trong số đó có hai nhà báo thuộc lớp phóng viên GP10. Hơn 10 nhà báo, kỹ thuật viên lớp GP10 hiện là thương binh hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nêu rõ: Lớp GP10 có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp vẻ vang của TTXVN. Các anh chị lớp GP10 là một trong những lớp phóng viên "liền anh, liền chị" đã nêu tấm gương sáng về ý chí và tinh thần không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân khi Tổ quốc cần mà thế hệ trẻ hôm nay và mai sau của TTXVN phải luôn trân trọng, phát huy để tiếp tục đưa sự nghiệp của TTXVN không ngừng phát triển. Đóng góp của phóng viên lớp GP10 cho sự nghiệp Thông tấn không chỉ trong thời chiến mà cũng rất nổi bật trong thời bình, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Nhiều anh chị phóng viên lớp GP10 được giao giữ những cương vị quan trọng, là những cây viết chủ lực tại các ban biên tập, các phân xã trong và ngoài nước, các tòa soạn báo của TTXVN, có những tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi báo chí ngành và quốc gia.
* Nhân dịp này, ngày 15/3, cũng tại Trụ sở TTXVN (số 5, Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã khai mạc Triển lãm ảnh với chủ đề “Một thời chiến tranh – Một thời hòa bình”.
80 tấm ảnh mầu và đen trắng cỡ lớn của phóng viên GP10 được lựa chọn trưng bày, giúp người xem phần nào thấy được cuộc sống và công việc của người phóng viên chiến trường; cuộc chiến đấu của quân dân ta ở miền Nam trong những năm 1973-1975. Đặc biệt, một số tấm ảnh tư liệu quí do phóng viên GP10 chụp trong thời khắc lịch sử quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, ảnh về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng được giới thiệu tại Triển lãm.
TTXVN/Tin Tức