Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, trong số 63 xã phải nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại thành một. Như vậy, mô hình thôn cần điều chỉnh lại để bảo đảm đồng bộ kết cấu nằm trong xã mới.
“Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. Ba xã nhập thành thực ra là dư 2/3. Vậy phải có một nội dung bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được.
3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó”, ông Lê Đình Sơn băn khoăn; cho biết cán bộ công chức rất tâm tư và xuất hiện tư tưởng “sáp nhập xã thì tôi còn làm hay không làm nữa?”
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, cần tính toán thời gian để giải quyết thấu đáo và cần thực hiện sớm. Để đảm bảo bước vào Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã ổn định thì lộ trình cần kết thúc sớm trong năm 2019. “Cái gì quyết tâm thì phải làm trong 2018 và chậm nhất là tháng 1/2019”, ông nói.
Ủng hộ việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư cho rằng “giá như hiện nay còn 40 tỉnh thì không gian phát triển lớn hơn, không bị vướng”. Theo ông, khi sáp nhập, khó khăn, xáo trộn là có, sẽ có tác động đến người dân và doanh nghiệp, nhất là các nơi trọng điểm.
Vì vậy cần tính toán, bớt tác động, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Ông cũng đề nghị Trung ương ban hành quy định thống nhất về chế độ để xử lý cho cán bộ dôi dư nghỉ việc, không để mỗi nơi ban hành mỗi quy định chính sách, chế độ riêng và cần thống nhất về mặt chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận, dù đã quy định về số lượng cấp phó nhưng sắp tới phải có quy định vượt với quy định hiện nay. Cùng với đó là chính sách về chế độ, lương bổng để đảm bảo cho việc sắp xếp ổn định, cán bộ an tâm.
Thống nhất việc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trong đó cần quy định thủ tục, trình tự rút gọn, đơn giản, để tạo thuận tiện và nhanh chóng khi lập và trình cấp có thẩm quyền về Đề án, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Nghị quyết cần quy định các nội dung về sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các chế độ chính sách đối với nhân sự dôi dư qua sắp xếp. Chính phủ, các bộ, ngành cần xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, triển khai một cách kịp thời, đồng bộ.
Khi thực thiện việc sáp nhập, chia tách phải đánh giá tác động hết sức thận trọng. “Chúng ta phải trân trọng đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng chỉ đạo “phải sắp xếp lại và có chế độ chính sách rõ ràng, không phải là chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”, hay chuyện trả công quên ân, trọn gói trả cho như thế coi như là xong”. Những nhân sự này vẫn tiếp tục vận động để họ tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở như đoàn thể, mặt trận, làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương.
Để chủ động và bảo đảm sự đồng bộ trong triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã từ nay đến năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2030, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ban Tổ chức Trung ương chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị tại các vị hành chính cấp huyện, xã khi thực hiện sáp nhập. Đồng thời, có hướng dẫn về công tác nhân sự, chuẩn bị nội dung đại hội Đảng bộ cấp huyện, xã ở những nơi sáp nhập.