Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, chiều 16/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Các khu công nghiệp là nơi đông người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước, vì vậy, chúng ta phải kiểm soát bằng được các ổ dịch trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các khu công nghiệp khác trong hai tỉnh này, kể cả toàn quốc.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Bộ Y tế, Quân y, y tế Công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng để chi viện kịp thời trong tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn tại khu công nghiệp đông công nhân.
Hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang, từ ngày 9/5/2021 đến ngày 14/5/2021, tỉnh Bắc Giang có 2 ổ dịch. Ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) có 4 ca F0 và đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng. Ổ dịch tại Công ty SJ Tech, Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 105 F0; đến nay cơ bản đã qua đỉnh dịch, chỉ còn xuất hiện các ca F0 trong các khu cách ly tập trung (chuyển từ âm tính sang dương tính) và một vài trường hợp công nhân đi cùng xe (mức độ lây lan ra cộng đồng rất thấp).
Tuy nhiên, từ ngày 14/5, qua rà soát các Khu công nghiệp còn lại đã phát hiện thêm ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trong Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên). Qua đánh giá đây là ổ dịch có tốc độ lây lan nhanh do làm việc trong phòng lạnh, khép kín. Qua test nhanh, chiều tối 14/5 đã phát hiện 12 ca F0 cùng phân xưởng số 4 của công ty. Đến nay, tổng số ca F0 ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam là 159 ca. Qua phân tích, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh đánh giá đây là ổ dịch rất phức tạp, các ca F0 tăng nhanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, tỉnh đã chấn chỉnh công tác điều tra, truy vết, tăng cường kiểm tra đôn đốc vai trò tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng. Chiều 16/5, tỉnh phong tỏa thêm 1 số khu vực có nhà trọ công nhân để lấy mẫu xét nghiệm rà soát cộng đồng. Tỉnh đã giãn cách xã hội huyện Việt Yên; chiều 16/5 giãn cách hai huyện Lạng Giang và Lục Nạm, xem xét thêm huyện Yên Dũng.
Sau khi được Bộ Y tế hỗ trợ mẫu test nhanh, các tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương cũng hỗ trợ mỗi tỉnh 200 y, bác sĩ. Thành phố Hà Nội giúp chạy xét nghiệm 10.000 mẫu; đồng thời, cử CDC Hà Nội lên giúp tầm soát, kiểm soát dịch bệnh trong khu công nghiệp ở Bắc Giang.
Còn tỉnh Bắc Ninh đã triển khai xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K Tân Triều, đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và người dân lao động liên quan đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, người lao động tạm trú ở nhà trọ, ký túc xá, làm việc tại các cơ sở cung cấp suất ăn, người kinh doanh tại các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, xét nghiệm lần 2 và lần 3 cho toàn bộ người dân xã Mão Điền, xét nghiệm cho toàn bộ các bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú tại các cơ khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, tỉnh sẽ cố gắng thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Tuy nhiên Bắc Giang và Bắc Ninh giáp nhau, vì thế nguy cơ lây lan rất hiện hữu. Vì thế, tỉnh mong muốn được Bộ Y tế hỗ trợ cho Bắc Ninh và cả Bắc Giang.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang rất phức tạp khó lường, còn nguy cơ lây nhiễm ở khu cách ly, ở cộng đồng mới bắt đầu tầm soát rộng rãi. Đặc biệt cơ sở y tế tại Bắc Giang số giường bệnh ít nên gánh nặng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 còn rất lớn đối với ngành tế tỉnh.
Theo ông Sơn, Bộ Y tế đã lập riêng 1 đoàn hỗ trợ Bắc Giang để hỗ trợ truy vết, xét nghiệm sớm. Về việc xây dựng Bệnh viện dã chiến, Bộ Y tế quyết định hỗ trợ Bắc Giang xây dựng đơn vị tại cung thể thao tương tự Đà Nẵng. Bệnh viện dã chiến sẽ được xây dựng trong thời gian ngắn nhất, sẵn sàng hoạt động khi dịch lan rộng.
Thứ trưởng Sơn đề nghị tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Y tế làm gấp thống kê nhu cầu cụ thể tỉnh cần như lực lượng lấy mẫu, nhân lực tại chỗ, trang phục… để báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế để hỗ trợ giúp Bắc Giang ở mức cao nhất.
Chuẩn bị lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm chi viện cơ động
Với yêu cầu phải thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm số lượng lớn trong thời gian rất ngắn tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự chi viện, hỗ trợ của các địa phương, đơn vị cho Bắc Giang, Bắc Ninh.
Các chuyên gia cho biết, việc lấy mẫu xét nghiệm ở các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang có thể cần tới hàng nghìn người lấy mẫu trong một thời điểm. Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho Bộ Y tế, Quân y, y tế Công an tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng dự phòng để chi viện kịp thời trong tình huống cần lấy mẫu gấp trong thời gian ngắn tại khu công nghiệp đông công nhân.
Đồng thời, Bộ Y tế khẩn trương xe xét nghiệm lưu động đi kèm với lực lượng hỗ trợ lấy mẫu. Địa bàn nào cần hỗ trợ, nhất là các khu công nghiệp, lực lượng này có thể lên đường chi viện ngay.
Cùng với đó, Bộ Y tế thành lập nhóm chuyên gia tư vấn cho các địa phương thực hiện kết hợp các loại xét nghiệm trong từng tình huống khác nhau, tương tự như cơ chế hoạt động của nhóm chuyên gia hỗ trợ điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng cho các bệnh viện cả nước.
Lập đường dây nóng hỗ trợ khai báo y tế
Thường trực Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai báo y tế của những người có liên quan đến người trong vùng dịch, đối tượng F2, F3, người vào bệnh viện, lên máy bay, đều đã có quy định nhưng thực tế có những nơi làm không nhất quán. Khi khai báo điện tử, nhiều lúc còn phức tạp đối với những người không quen sử dụng điện thoại thông minh. Nhiều người đã khai báo y tế trên giấy khi đến nơi khác vẫn phải khai báo lại. Dẫn đến tình trạng một số người, dù không cố tình trốn tránh khai báo y tế, nhưng vì một hay nhiều lý do nêu trên, đã không hoàn thành trách nhiệm cần thiết của mình.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại rất nghiêm túc các quy định về khai báo y tế, đảm bảo thật đơn giản, thuận tiện để mọi người dân có thể khai báo được; những người có khó khăn trong khai báo thì có người trợ giúp.
"Khai báo y tế là việc làm rất cần thiết để có thể kiểm soát được những người có nguy cơ lây nhiễm như người vào bệnh viện, đi máy bay hay bây giờ là công nhân ở các khu công nghiệp tập trung. Chúng ta phải có công cụ, có cách tổ chức để nhân dân, mọi đối tượng trong mọi hoàn cảnh đều khai báo y tế thuận lợi" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thiện các công cụ liên thông dữ liệu để những dữ liệu người dân đã khai báo 1 lần thì chỉ cần khai báo thêm những thông tin có thay đổi một cách thuận tiện.
Trong 24 giờ tới, Bộ Thông tin và Truyền thông phải chỉ đạo các nhà mạng, Tổ thông tin của Ban Chỉ đạo thiết lập xong đường dây nóng, tổ chức lực lượng tình nguyện viên kết hợp với các điện thoại viên để tiếp nhận, trợ giúp mọi yêu cầu của nhân dân về khai báo y tế một cách kịp thời, miễn phí, không để ách tắc.
Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao là ban hành các tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh theo mức độ có nguy cơ, nguy cơ cao, nguy cơ rất cao ở các địa bàn và quy định các đối tượng phải khai báo y tế bắt buộc phù hợp tình hình chống dịch.
Trước mắt, Ban Chỉ đạo yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc Đà Nẵng căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chỉ đạo khai báo y tế bắt buộc đối với người làm việc trong khu tập trung, để có ngay phương án ứng phó khi xuất hiện dịch liên quan đến khu công nghiệp, không để lây lan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các khu công nghiệp tập trung là nơi tập trung đông người, ảnh hưởng trực tiếp đến sức sản xuất của cả đất nước, vì vậy, chúng ta phải kiểm soát bằng đường các ổ dịch trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không được để lan ra các khu công nghiệp khác trong hai tỉnh này, kể cả toàn quốc. Khu công nghiệp tập trung rất đông người, lây lan rất nhanh với chủng mới hiện nay. Nếu một khu công nghiệp dừng sản xuất ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của đất nước, đằng sau đó là biết bao nhiêu công nhân.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ có trách nhiệm theo dõi tình hình phòng, chống dịch ở một số địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý nếu tỉnh/thành phố nào cần giãn cách toàn xã hội thì thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp báo cáo với Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ. Còn đến thời điểm cần giãn cách xã hội toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm báo các trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.