Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Dư luận xã hội cũng như các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm với những dự kiến thay đổi như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào 27/7 trong dự thảo Bộ luật. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã công bố dự thảo luật để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến hết ngày 28/6/2019.
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định, với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội với sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, những nhà hoạt động thực tiễn, đại diện các tổ chức, thể hiện ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội lần này với mục đích ghi nhận trực tiếp ý kiến đóng góp của đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các chuyên gia, nhà khoa học vào nội dung của dự thảo luật, từ đó cung cấp cho Ban soạn thảo thêm thông tin, ý kiến trong các tầng lớp nhân dân về những nội dung sửa đổi, nhất là những vẫn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm, qua đó nhằm tạo sự đồng thuận, tính khả thi của luật khi được triển khai trong thực tiễn cuộc sống.
Bộ Luật Lao động (sửa đổi) điều chỉnh mối quan hệ lao động cũng như quy định điều kiện tiêu chuẩn lao động, điều chỉnh mối quan hệ của các bên, các chủ thể trong quan hệ lao động nên tác động lớn, sâu rộng đến đời sống trong lĩnh vực lao động. Đây là một dự án luật quan trọng, là cơ sở pháp lý chủ yếu và trực tiếp thúc đẩy thị trường lao động phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động nhằm hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Để bảo đảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, tính linh hoạt trong việc sắp xếp và huy động nhân công của các doanh nghiệp, bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó ban Chính sách pháp luật, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp ý, quy định làm thêm giờ trong dự thảo luật cần nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của việc tăng thời gian làm thêm giờ, đặc biệt đối với lao động nữ; phát huy, bổ sung các giải pháp nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe, tái tạo sức lao động, sự hài hòa giữa đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, đồng thời tránh sự lạm dụng của người sử dụng lao động.
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo có nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của người lao động nhưng chưa thể hiện rõ tính khả thi, do chưa tính đến yếu tố bất bình đẳng và chịu chi phối trong quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động (thường ở thế mạnh) và một bên là người lao động (thường ở thế yếu, phụ thuộc), nên đã thể hiện theo hướng cho hai bên tự thỏa thuận.
Tại hội nghị, các ý kiến cũng đã đóng góp, phản biện về vấn đề cải cách chính sách tiền lương; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, kiến tạo khung pháp luật về lao động nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hẹp lao động giá rẻ, trình độ đơn giản, làm gia công, tránh bẫy thu nhập trung bình, phục vụ mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển; việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và thúc đẩy, bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc, bảo vệ nhóm lao động yếu thế…