Phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể tham gia xây dựng Đảng, chính quyền

Hơn ba năm qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và Ban Dân vận Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền của Bộ Chính trị (khóa XII).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.

Nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể

Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW năm 2013 về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân được Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2016). Việc ban hành hai Quyết định này vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là nguyện vọng của nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội, nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ xã hội. Hơn ba năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, hội nghị nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 2118-QĐ/TW về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; cũng như sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu dự hội nghị đánh giá qua 3 năm thực hiện, Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân. Ở Trung ương, MTTQ phối hợp 10 bộ, ngành triển khai 9 chương trình giám sát ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: Chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp… 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc.

Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện. Qua giám sát kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện. Quyết định 217, 218 đã mở ra cơ hội để MTTQ và các đoàn thể thực hiện quyền giám sát, phản biện biện xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện hai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị của hệ thống MTTQ Việt Nam vẫn còn những hạn chế: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, nhất là hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên chưa bài bản, công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế, quy trình thống nhất thể hiện quan hệ của 4 bên: Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên; các cơ quan quản lý nhà nước; đối tượng được giám sát; cấp ủy các cấp. MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội mới tổ chức giám sát các hoạt động của tổ chức kinh tế và các tổ chức sự nghiệp.

Đoàn Chủ tịch chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Tạo tiền đề cho giai đoạn mới

Hội nghị đã đề ra phương hướng trong thời gian tới: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương xây dựng, phát hành cuốn ''Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam" nhằm giúp cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện, thực tế về công tác giám sát phản biện xã hội; có hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội 2017-2020 trong hệ thống MTTQ Việt Nam và hệ thống Đảng các cấp. Hàng năm, hai bên phối hợp sơ kết công tác giám sát, phản biện xã hội để các hoạt động này đi vào nền nếp, phát huy tác dụng xã hội ngày càng hiệu quả hơn. Năm 2018 và 2020, Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương có báo cáo Ban Bí thư về tình hình và kết quả triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội trong toàn hệ thống chính trị để được Ban Bí thư chỉ đạo tiếp tục triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thông tin: Vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết nhất trí 100% thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần cụ thể về cơ chế đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam.

Đối với hoạt động góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao, ba năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã nỗ lực không ngừng trong tổ chức triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tại nhiều tỉnh đã có những mô hình hay, cách làm tốt, là cơ sở, tiền đề để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội sớm hoàn thiện ''Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam" để có tài liệu cơ bản, toàn diện tập huấn cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức Đảng thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên xây dựng chương trình phối hợp, cùng nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; hướng dẫn Mặt trận các cấp, các tổ chức, dưới sự hướng dẫn của cấp ủy thực hiện giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức cơ sở Đảng. Hằng năm, MTTQ và Ban Dân vận Trung ương cần có sơ kết về công tác phối hợp trong thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, để cuối năm 2018 tổ chức tổng kết 5 năm triển khai, báo cáo với Ban Bí thư và phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, tổ chức vào năm 2019 - ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.

Phúc Hằng (TTXVN)
 Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước bền vững
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước bền vững

Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra từ ngày 5-10/5 với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến những định hướng lớn về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN