Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Bày tỏ sự vui mừng được tiếp đón đại diện ngành y tế các địa phương và 66 đại biểu là cô đỡ người dân tộc, Phó Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho ngành y tế nhằm đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp với Bộ Y tế trong hoạt động quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực trong suốt 63 năm qua của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế nói chung, đội ngũ các cô đỡ thôn bản nói riêng đã không quản ngại khó khăn, phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cô đỡ thôn bản còn một số tồn tại, hạn chế do những khó khăn trong công việc, địa hình di chuyển khiến mô hình thiếu tính bền vững. Phó Chủ tịch nước cho rằng, việc phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình cô đỡ thôn bản tới các bản làng mang ý nghĩa to lớn, cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các vùng dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, ngành y tế tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống, xác định rõ y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng. Trong đó, ưu tiên phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để các cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Hiện nay có 2.755 cô đỡ thôn bản đang hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn trên cả nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với Đoàn đại biểu tiêu biểu trong phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản của Bộ Y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa là giải pháp phát huy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, khắc phục những rào cản về địa lý, văn hóa, tài chính khiến cho người dân tộc thiểu số khó tiếp cận với những dịch vụ khám thai, đỡ đẻ và chăm sóc sau sinh an toàn.