Đảm bảo chất lượng của Bộ luật Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (Bộ luật) được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng tán thành quan điểm trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Bộ luật tại 2 kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Cũng cùng suy nghĩ phải thông qua tại 2 kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng từ việc xác định được thông qua tại 1 kỳ hay 2 kỳ họp, sẽ xác định được phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật. Nhấn mạnh tới việc sửa đổi, bổ sung phải phải đảm bảo chất lượng của Bộ luật, không vì áp lực thời gian dẫn đến chất lượng không tốt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần thiết thông qua dự án Bộ luật tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thì thông qua). Dự án Bộ luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 Điều của Bộ luật hình sự năm 2015 (do một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai sót 1 lỗi kỹ thuật như nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể nhưng sẽ liên quan và phải sửa đổi nhiều điều luật để bảo đảm thống nhất).
Dự án Bộ luật vẫn còn rất nhiều nội dung liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan như: cách tính tỷ lệ tổn thương cơ thể, định mức xả thải ra môi trường, chỉ số gây ô nhiễm môi trường, việc có hay không giám định hàm lượng chất ma túy, hàng cấm, vũ khí quân dụng… Trong thời gian rà soát các quy định, định lượng chi tiết, nhiều bộ, ngành đã có ý kiến bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Bộ luật hình sự năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm tính khả thi…, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Việc sửa đổi, bổ sung không làm ảnh hưởng đến những chính sách lớn về pháp luật hình sự Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.
Phạm vi điều chỉnh của dự án Bộ luật được thể hiện theo cách tiếp cập thứ nhất. Cụ thể, để phù hợp với dung lượng thông thường của một đạo luật sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh cùng với Bộ luật hình sự năm 2015 còn có 03 đạo luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành (Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam); đồng thời để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội dự án Luật tại Kỳ họp thứ hai (10/2016) thì phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015 lần này chỉ nên dừng lại ở những điều khoản cần thiết nhất.
Cụ thể là cần khắc phục những sai sót rõ ràng về kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm có cách hiểu thống nhất Bộ luật hình sự năm 2015, tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời, bảo đảm ổn định nhiều quy định mang tính nhân đạo, hướng thiện của Bộ luật hình sự năm 2015 hiện vẫn đang có hiệu lực thi hành theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/06/2016 của Quốc hội khóa XIII.
Yêu cầu đặt ra là việc sửa đổi, bổ sung không làm ảnh hưởng đến những chính sách lớn về pháp luật hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa các đạo luật có liên quan hiện đang lùi hiệu lực thi hành. Còn đối với những nội dung lớn khác của Bộ luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách mới, đến lý luận phức tạp chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, thậm chí cả những quy định và cách tiếp cận chưa đạt được sự đồng thuận cao trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, xem xét thông qua Bộ luật thì chưa nên sửa đổi, bổ sung lần này mà cần được tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và thấu đáo hơn để có phương án sửa đổi phù hợp trong thời gian tới.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, đối với nhiều chính sách hình sự đã được Bộ Chính trị cho ý kiến, Quốc hội thông qua, các chính sách nhân đạo, tiến bộ mới được đưa vào Bộ luật hình sự năm 2015 thì không đặt vấn đề xem xét, sửa đổi lần này mà cần phải qua quá trình thi hành để tổng kết, đánh giá mới xác định được tính hiệu quả và tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Dự án Bộ luật lần này chỉ tập trung sửa đổi những quy định rõ ràng có sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm (các điều luật bỏ trống mức định lượng), hoặc có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng (các điều luật có quy định trùng mức định lượng, cùng một đối tượng tác động nhưng lại quy định ở các điều luật khác nhau mà không có quy định loại trừ), hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự (chủ yếu các điều luật ở Phần chung của Bộ luật hình sự), hoặc chưa phân hóa tội phạm (tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khác xa nhau nhưng khung hình phạt gần như nhau; thiếu thống nhất về nguyên tắc tính tỷ lệ tổn thương cơ thể )… Tuy nhiên, việc sửa đổi phải bảo đảm là đã khắc phục hết được những sai sót nêu trên, tránh tình trạng sau khi thi hành lại tiếp tục phát hiện có sai sót. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu để sửa đổi các điều luật có quy định chưa rõ về nội dung, mâu thuẫn với luật chuyên ngành, sai hoặc không phù hợp về kỹ thuật lập pháp; gây khó khăn trong xử lý tội phạm, thiếu tính dự báo… để bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.
Cũng tán thành với quan điểm này, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng thấy rằng trên quan điểm không quá mở rộng phạm vi sửa đổi, nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, trong quá trình rà soát, nếu phát hiện thêm một vài điều cần thiết phải sửa thì cũng nên sửa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: Bộ luật hình sự được Chính phủ trình được trình bày theo cách tiếp cận thứ nhất là phù hợp. Nếu theo cách tiếp cận thứ 2 mà Chính phủ nêu: "không nên quá lệ thuộc vào thời hạn trình dự án Luật này mà hạn chế phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015. Tinh thần chung là cần phải sửa đổi triệt để, toàn diện Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể, ngoài những điều khoản đã được phát hiện có sai sót về kỹ thuật, các nội dung có sự bất hợp lý đã đạt được sự đồng thuận cao thì cần tiếp tục rà soát Bộ luật hình sự năm 2015 để phát hiện thêm và có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp; chẳng hạn như có thể bổ sung tội danh mới, cần xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc tính toán kỹ hơn về tính hợp lý của việc cụ thể hóa hầu hết các yếu tố định tính trong Bộ luật hình sự năm 2015 thành các mức định lượng ...", Chủ tịch Quốc hội thấy rằng một Bộ luật đồ sộ mà chúng ta chưa thực hiện mà lại phải sửa lại hết, cả các nội dung mà Quốc hội khóa XIII đã làm là không đúng. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bám sát Nghị quyết Nghị quyết số 144, sửa đổi, bổ sung Bộ luật phải đảm bảo sự đồng bộ, tương thích giữa các Bộ luật, không thể vì sửa luật này lại kéo theo sửa luật khác.
Kết luận phần thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban thẩm tra dự án Bộ luật tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét dự án Bộ luật tại Kỳ họp thứ 2.
Cho ý kiến về Kế hoạch kiểm toán năm 2017
Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước.
Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2017 nêu: "Mục tiêu tổng quát năm 2017 của ngành: Triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành toàn diện Kế hoạch chiến lược phát triển kiểm toán nhà nước giai đoạn 2013-2017, trong đó chú trọng đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán, thực hiện nghiêm Luật kiểm toán nhà nước. Tiếp tục nâng cao năng lực cơ quan kiểm toán nhà nước, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên."
Toàn ngành tập trung lựa chọn 211 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán (tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 16 đầu mối, đơn vị, chủ đề kiểm toán) để tổ chức thành 228 cuộc kiểm toán, tăng so với kế hoạch kiểm toán năm 2016 là 8 cuộc kiểm toán.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao hoạt động của kiểm toán thời gian vừa qua. Nhất trí với dự kiến hoạt động của kiểm toán trong thời gian tới nhưng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung vào những vấn đề lớn. Đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý nợ công để làm rõ quản lý và sử dụng vốn ODA, gắn với nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Đồng thời, nên lồng ghép các nội dung, mục tiêu kiểm toán để hạn chế chồng chéo, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các số liệu phải được sử dụng được như nhau, như vậy thì mới mang tính thống nhất và khoa học- Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên Chủ nhiệm nêu băn khoăn bởi năm 2016, tuy thực hiện kiểm toán nhiều nhưng không chuyển sang cơ quan điều tra một vụ việc nào và đề nghị Kiểm toán Nhà nước nêu rõ lý do vì sao lại như vậy. Chủ nhiệm Lê Thị Nga đánh giá một trong những hạn chế của công tác kiểm toán là kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán và đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải nêu rõ tại sao thực hiện kiến nghị kiểm toán thấp, đồng thời đánh giá, công khai cơ quan nào chậm và báo cáo trước Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng của kết quả kiểm toán. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói điều mà cử tri quan tâm là sau kiểm toán, chúng ta rút ra được vấn đề gì trong quản lý. Chính vì vậy cần phải rút bớt lại một số chuyên đề, nên tập trung lại một số chuyên đề để kiểm toán, kiểm toán rồi thì phải có kiến nghị rõ ràng, xác định ai đúng, ai sai, kiến nghị vấn đề gì để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách.
Theo chương trình, sáng mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016.