Đề cập số vụ bạo lực đối với trẻ em bị phát hiện, xử lý không nhiều, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lo ngại thời gian gần đây tình trạng bạo lực đối với trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động. Nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra. "Đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người", đại biểu Nam Định bày tỏ.
Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, về mặt pháp luật, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính. Vấn đề là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em mới có thể tốt hơn.
Năm 2017 Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em tạo ra một cơ chế điều phối liên ngành để phối hợp hoạt động và chia sẻ, kết nối thông tin giữa Trung ương và địa phương trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ có biện pháp vận hành cơ chế này một cách hiệu quả, thực chất nhất, tránh hình thức- đại biểu Mai Thị Phương Hoa nói.
Nhấn mạnh vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho biết, chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em. Vì vậy, thời gian tới cần có những quy định cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi những quyền lợi của trẻ em không được triển khai thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em.
Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc; yêu cầu cấp huyện phải có cán bộ làm công tác chuyên trách về trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay, nhất thiết mỗi sở phải có cán bộ chăm sóc trẻ em, có thể là cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách nhưng nhiệm vụ chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính sau đó mới kiêm nhiệm những nhiệm vụ khác, đại biểu Lưu Thành Công đề nghị.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng để trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất.
Đề cập Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan chú ý trong quá trình thực hiện công tác, đặc biệt là trong việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021 - 2010, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, các tiêu chí, các giải pháp liên quan tới chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tất cả các bộ, ngành cần có các chương trình, đề án và dự án cụ thể, các vấn đề về giới và tuổi trẻ em ở vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế. Đối với công tác trẻ em, cần đặc biệt chú trọng việc chăm sóc, giáo dục bên cạnh công tác bảo vệ. Trong công tác bảo vệ, cần đặc biệt chú trọng phòng xâm hại.
Từ yêu cầu phòng, chống tội xâm hại trẻ em như trên, theo Phó Thủ tướng, cần tiếp cận mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy phải xác định hệ thống hóa những nguy cơ hình thành ngay tại cơ sở dữ liệu về trẻ em; phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cần tập trung vào những tác động trái của công nghệ của hội nhập như internet, phim ảnh, du lịch để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp. Cần tăng cường sự phối hợp không chỉ giữa các ngành, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội. Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp, không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội…
“Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm sát, Tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ rõ “quan trọng hàng đầu là nhận thức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực. Vì vậy, các đề án, chương trình của Chính phủ tới đây phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu. “Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua
Phát biểu kết luận phiên thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn, tâm huyết và có trách nhiệm. Quốc hội chọn chuyên đề giám sát này là rất đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em.
Tình trạng xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như cha, mẹ, thầ, cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em... Các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, sử dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật. Một số vụ án xâm hại trẻ em rất nghiêm trọng, dư luận xã hội rất bức xúc, lên án. Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em, cả về thể chất và tinh thần cũng như cho gia đình và xã hội…
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo lại Quốc hội và hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận.