Mặt khác, công tác theo dõi, thống kê số trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý nghiêm chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Các đại biểu cho rằng cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em.
Nhiều ý kiến cho rằng trên 8.700 trẻ em bị xâm hại bằng nhiều hình thức như xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt... trong giai đoạn từ 2015-2019 được nêu lên trong Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” là thông tin rất đáng buồn.
Báo cáo giám sát cho thấy, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường; công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hầu như chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về phòng, chống xâm hại trẻ em; qua thanh tra, kiểm tra, rất ít phát hiện được vi phạm, trong khi tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), pháp luật các nước xử phạt hành vi xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, rất nặng. Ở Việt Nam, một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe.
"Trẻ em là tương lai của đất nước, chúng ta cần phải có những biện pháp bảo vệ các cháu một cách có hiệu quả”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh và cho rằng trong tương lai cần đặt vấn đề trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt của cấp chính quyền địa phương.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các Nghị định về phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em không còn phù hợp với thực tiễn, mức xử phạt còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.
Theo đại biểu, quần chúng nhân dân ở đâu cũng có mặt, cần có cơ chế để họ cung cấp thông tin về tình trạng xâm hại trẻ em cho cơ quan chức năng. Ngoài ra cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội thanh niên, đội ngũ những người làm công tác sư phạm để có kênh thông tin kịp thời phát hiện những trường hợp bị xâm hại nhưng nạn nhân lại giấu diếm, không dám nói, gia đình cũng không phát hiện.
Để hạn chế tình tối đa trạng xâm hại trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải được cụ thể hóa, phù hợp với nhận thức của đồng bào dân tộc, ngắn gọn, dễ hiểu. Theo đại biểu, cần tăng cường trách nhiệm của các bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản trong việc vận động người dân thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; xóa bỏ nạn tảo hôn...
Đại biểu tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, lực lượng công an chính quy được bố trí về cơ sở, bộ đội biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy ở các xã biên giới đem lại hiệu quả rất cao. Ở nơi đâu đội ngũ này hoạt động hiệu quả thì ở đó tình hình an ninh - trật tự đảm bảo, tình hình xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý kịp thời.
Từ thực tế đó, đại biểu Vương Ngọc Hà kiến nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lựa chọn các cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở có trình độ, kinh nghiệm, nhất là kỹ năng thực hiện biện pháp vận động quần chúng, hiểu phong tục tập quán của đồng bào. Lực lượng công an, quân đội càn tiếp tục tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền các hoạt động phòng ngừa xã hội như: giúp đồng bào phát triển kinh tế, tham mưu tuyên truyền giáo dục pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...
Các đại biểu kiến nghị, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ trẻ em; nghiên cứu, đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại… để răn đe đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm...