Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú.
Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu và 04 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung như: khái niệm “cư trú”,“nơi thường trú”, “nơi tạm trú”, “chỗ ở hợp pháp”, “chủ hộ”, “hộ gia đình”, “tạm vắng”, “cơ quan đăng ký cư trú” để thể hiện chính xác hơn nội hàm của các thuật ngữ về cư trú, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; về nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; về các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của hộ gia đình về cư trú; hồ sơ đăng ký thường trú; vấn đề quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; về điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú; về xóa và hủy bỏ đăng ký thường trú, tạm trú; về cơ sở dữ liệu về cư trú; về điều khoản thi hành Luật. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là:
- Về điều kiện đăng ký thường trú: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tán thành việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài ra, liên quan đến quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nói chung đối với người có chỗ ở hợp pháp là do đi thuê, mượn ở nhờ, đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần lựa chọn tiêu chí có thời gian tạm trú từ 01 năm trở lên tại địa bàn sẽ là điều kiện để xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
- Về điều kiện đăng ký tạm trú đối với người có nhà ở cho thuê, cho mượn cho ở nhờ: Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật, đó là không quy định điều kiện đăng ký tạm trú phải được người có nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý.
- Về thời hạn tạm trú: Hiện nay có 02 loại ý kiến khác nhau. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất, đề nghị tiếp tục quy định về thời hạn đăng ký tạm trú là 02 năm để phân biệt với việc đăng ký thường trú; Loại ý kiến thứ hai, tán thành với quy định của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, đó là không quy định về thời hạn tạm trú nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính.
- Về quy định chuyển tiếp: Hiện nay có 02 loại ý kiến khác nhau. Trong đó, một số ý kiến tán thành với Phương án 1, theo đó cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đến hết ngày 31/12/2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú. Có ý kiến tán thành với Phương án 2, đó là không cần quy định chuyển tiếp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Đối với những vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng hình thức lấy phiếu trước khi trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Trong quá trình thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 03 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu phát biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thay mặt cơ quan trình dự án Luật đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về cơ bản, các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, thống nhất với hệ thống pháp luật; đồng thời, bám sát chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, tạo cơ sở, nền tảng pháp lý chặt chẽ cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng ngày càng lớn mạnh phù hợp với tình hình mới. Các nội dung cơ bản đảm bảo đồng bộ, khả thi.
Ngoài ra, để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như sau: Về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; vai trò của nhân dân và các lực lượng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ biên phòng và hợp tác quốc tế về biên phòng; về các quy định chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, chế độ, chính sách, trang bị của lực lượng bộ đội biên phòng đúng với tính chất, vai trò của lực lượng này là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cần làm rõ cơ chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng, chức trách của bộ đội biên phòng với các lực lượng khác ở khu vực biên giới; rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác biên phòng. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Thứ Năm, ngày 22/10/2020: Buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.