Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Trong quá trình thảo luận, đã có 47 đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 8 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành và đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát. Báo cáo đã đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân và trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế; rút ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thời gian tới, công tác tổ chức thực hiện.
Các vị đại biểu Quốc hội đã phân tích làm rõ, bổ sung nhiều ý kiến, tập trung vào một số nội dung sau:
1. Về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước:
- Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của đất nước;
- Hệ thống văn bản pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được hoàn thiện nhưng vẫn chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất; một số văn bản chất lượng chưa cao, thiếu tính ổn định, còn làm tăng tổ chức bộ máy, biên chế;
- Cơ cấu tổ chức của Chính phủ được giữ ổn định nhưng chậm điều chỉnh theo hướng tinh gọn, vẫn còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bên trong các bộ còn nhiều đầu mối, tăng tầng nấc trung gian, tăng biên chế, số lượng cán bộ lãnh đạo;
- Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương được thực hiện đúng pháp luật nhưng chưa được hoàn thiện theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương; việc phân quyền, phân cấp chưa triệt để, đồng bộ; thôn, tổ dân phố chưa phát huy được vai trò tự quản, có xu hướng trở thành một cấp quản lý ở cơ sở;
- Còn nhiều bất cập trong quản lý biên chế, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, cơ cấu chưa hợp lý;
- Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả thấp;
- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc của bộ máy hành chính chưa gắn kết với yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
2. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu bổ sung, làm rõ nhiều nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các ngành, các cấp, trách nhiệm của người đứng đầu đối với các tồn tại, hạn chế trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
3. Về kiến nghị, giải pháp:
- Các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành với các kiến nghị, giải pháp được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát hệ thống văn bản pháp luật, đề xuất sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các luật, pháp lệnh, nghị định bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng; triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Chú trọng xây dựng nền hành chính vì dân, hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp. Tăng cường phân quyền, phân cấp, giao quyền chủ động cho địa phương; gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
4. Các vị đại biểu Quốc hội tham gia nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2021 và đề nghị Chính phủ 02 năm/lần báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận.
Thứ ba, ngày 31/10/2017, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài-chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Phiên họp này sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi.