Chúc mừng thành công của ngành với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD năm 2019, Thủ tướng đề nghị ngành chú trọng đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân nước nhà, dự kiến sẽ có tầng lớp trung lưu chiếm 50% trước năm 2030. Đặc biệt là phải chuyển mạnh từ hình thức gia công sang sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Năm 2019 đánh dấu 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS). Trong suốt chặng đường 20 năm, VITAS đã cùng các đơn vị hội viên và các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của dệt may Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt trên 36,2 tỷ USD, tăng 20,6 lần so với năm 1999, đưa Việt Nam nằm trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới; thặng dư thương mại tăng 96,7 lần, từ 185 triệu USD năm 1999 lên 17,9 tỷ USD. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 39,5 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2018. Hiện tại, với lực lượng lao động gần 3 triệu người, thu nhập ngày càng tăng và ổn định, ngành dệt may đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tại buổi lễ, Thủ tướng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng Hiệp hội Dệt may Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng cho biết rất quan tâm đến sự phát triển của ngành dệt may với 7.000 doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước. Đặc biệt, ngành giải quyết tới 3 triệu việc làm, không chỉ ở khu vực thành phố mà cả những vùng khó khăn, qua đó giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng cho rằng, với 39 tỷ USD xuất khẩu năm nay, ngành đóng góp quan trọng vào kết quả xuất nhập khẩu cả năm nay đạt khoảng 500 tỷ USD.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Hiệp hội dệt may Việt Nam đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tích cực và chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do.
Cho rằng, ngành dệt may trong nước chưa thoát khỏi phụ thuộc về nguyên liệu từ bên ngoài, chủ yếu vẫn là gia công nên sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, Thủ tướng đặt bài toán cho ngành phải chuyển sang mô hình sản xuất tạo giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm. Thủ tướng cũng chỉ ra, hiện cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về sản phẩm may mặc, chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong khi đó sợi chỉ chiếm hơn 8%, vải gần 3%, phụ kiện may dưới 10%...
Nêu một số vấn đề cần khắc phục đó, Thủ tướng đề nghị ngành dệt may phấn đấu vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế để tiếp tục đứng vị trí cường quốc dệt may của thế giới. Cho rằng, vị trí thứ 3 thế giới về dệt may trong bối cảnh gần 100 triệu dân cả nước là cố gắng lớn lao, nhưng "câu hỏi lớn là trong thời gian tới, chúng ta giữ được tốp đầu thế giới về dệt may hay không?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng lưu ý, công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp của ngành bộc lộ những bất cập. Số doanh nghiệp tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% trong tổng số doanh nghiệp của ngành, nhưng đang có nguy cơ không có tổ chức Đảng trong một số doanh nghiệp này.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành cần tận dụng các lợi thế, thời cơ, nhận diện các nguy cơ. Đặc biệt, ngành cần tạo dựng thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp, sản phẩm trong khu vực và thế giới, mang lại lợi ích lâu dài. Cụ thể, đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới; đồng thời phấn đấu xuất khẩu đạt kim ngạch 110 tỷ USD. Dệt may phải thuộc tốp đầu của thế giới về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động.
Muốn thực hiện điều đó, Thủ tướng cho rằng, ngành dệt may cần có tinh thần tự cường trong phát triển, hướng đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng. Cùng với đó, cần tận dụng các thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mới nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thủ tướng cũng đặt vấn đề quan trọng đối với ngành dệt may, đó là phải chuyển mạnh từ hình thức gia công sang hình thức giá trị gia tăng cao.
Thủ tướng tin tưởng với truyền thống quý báu 120 năm, nhất là từ hơn 30 năm đổi mới, ngành sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.