Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 28/10 theo giờ Việt Nam, tại Thủ đô New Delhi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp riêng, tiến hành Hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (trái) chụp ảnh chung Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã tham dự Lễ đón chính thức tại Phủ Tổng thống (Rashtrapati Bhavan).
Tại Hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi tái khẳng định cam kết phát triển toàn diện mối quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược hai nước; đồng thời đạt được sự nhất trí cao về những phương hướng và biện pháp lớn nhằm phát triển quan hệ hai nước ngày càng thực chất, hiệu quả, nhất là trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ và văn hóa giáo dục.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh giao lưu và hợp tác trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân; tổ chức thường xuyên và định kỳ các cơ chế hợp tác sẵn có như Ủy ban Liên Chính phủ, Đối thoại chiến lược và Tham khảo Chính trị, Đối thoại Quốc phòng, Tiểu ban Hỗn hợp về thương mại…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước thời gian qua; nhất trí coi tăng cường hợp tác kinh tế là mục tiêu chiến lược trong quan hệ hợp tác song phương, nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt và vượt mốc 15 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cùng có lợi trên những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hóa chất, phân bón, dược phẩm, chế biến nông sản...
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp, nhất là ngành dệt may và tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các chương trình phát triển kinh tế của Ấn Độ như “Make in India” để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng an ninh, cũng như tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục; cho rằng với việc mở đường bay thẳng từ tháng 11/2014, Việt Nam và Ấn Độ đã bước đầu thực hiện được kết nối về hàng không và bày tỏ quan tâm sẽ thúc đẩy các nỗ lực để kết nối hàng hải, đẩy mạnh hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân; tiếp tục phối hợp hiệu quả và chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như hợp tác ASEAN - Ấn Độ, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Phong trào Không liên kết và hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Việt Nam tái khẳng định ủng hộ Ấn Độ làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi cơ chế này mở rộng.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; Ấn Độ khẳng định ủng hộ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ở Biển Đông cần phải được bảo đảm; ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS-1982), thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông và việc Ấn Độ cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Narendra Modi đã chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác gồm: Biên bản ghi nhớ về Trường Đại học Nalanda; Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và Trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam; Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm Tiếng Anh và Đào tạo Tin học tại Trường Đại học Thông tin liên lạc tại Nha Trang; Chương trình trao đổi Văn hóa giai đoạn 2015 – 2017; Thỏa thuận khung hợp tác giữa OVL và PetroVietnam và Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ONGC và PetroVietnam; Đài Tiếng nói Việt Nam và Hãng Phát thanh truyền hình công Prasar Bharati đã tiến hành ký kết, trao đổi các chương trình phát thanh truyền hình về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, giải trí, thể thao, tin tức và các lĩnh vực khác hai bên cùng quan tâm.
Nhân dịp này, Ngân hàng Nhà nước ta đã trao giấy chấp thuận về nguyên tắc việc Ngân hàng Ấn Độ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự Ấn Độ. Ảnh: Đức Tám – TTXVN |
Chiều 27/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có các cuộc tiếp riêng lãnh đạo của các Đảng chính trị của Ấn Độ như Đảng Quốc đại (INC), Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít (CPI-M).
Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao sự nhất trí quốc gia trong chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam và sự đóng góp tích cực của các đảng chính trị Ấn Độ vào việc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng đã thông báo một số nét chính về những thành tựu kinh tế xã hội và chính sách đối ngoại của Việt Nam; tình hình quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ; bày tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với tất cả các đảng chính trị Ấn Độ, trong đó có đảng Nhân dân Ấn Độ BJP, đảng Quốc đại, đảng Cộng sản CPI và đảng Cộng sản Mác-xít CPI-M; mong muốn tất cả các chính trị Ấn Độ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa vào việc phát triển quan hệ tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước.
Trong cuộc tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại đảng Quốc đại, Thượng nghị sĩ Karan Singh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ca ngợi những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru, người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ hai nước; khẳng định Việt Nam sẽ cử đoàn cấp cao sang Ấn Độ dự các hoạt động kỷ niệm ngày sinh thứ 125 của cố Thủ tướng Nehru.
Thủ tướng đề nghị hai Đảng tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao; giao lưu, hợp tác giáo dục để đảng viên trẻ hai bên hiểu hơn về nhau, về truyền thống hữu nghị giữa hai dân tộc; mong sớm được đón bà Chủ tịch đảng Quốc đại Sonia Gandhi sang thăm Việt Nam.
Trong các cuộc tiếp Tổng Bí thư Đảng CPI S. Reddy và Tổng Bí thư Đảng CPI-M Prakat Karat, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai Đảng tăng cường hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết là về trao đổi kinh nghiệm, lý luận và tình hình thực tiễn tại mỗi nước; trân trọng mời Lãnh đạo hai Đảng sớm sang thăm Việt Nam để cùng trao đổi sâu rộng các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Lãnh đạo các đảng chính trị nói trên đã cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp; đồng thời khẳng định cam kết ủng hộ việc tăng cường thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa Ấn Độ với Việt Nam.
Trước khi rời Ấn Độ về nước vào tối 28/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.
TTXVN/Tin tức