Xây dựng đường phải ngắn nhất, ít ảnh hưởng nhất, hiệu quả nhất
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát tại khu vực cầu Mã Đà, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú; nghiên cứu hướng tuyến xây dựng tuyến giao thông kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai; nối mạch máu giao thông tỉnh Bình Phước với các tuyến giao thông quan trọng trong vùng và kết nối tới cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Trong khi khảo sát thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông là hết sức cần thiết nhằm khơi thông, thúc đẩy phát triển tỉnh Bình Phước nói riêng và cả vùng nói chung. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp nghiên cứu kỹ xây dựng các tuyến giao thông đảm bảo nguyên tắc ngắn nhất, ít ảnh hưởng, giải phóng mặt bằng ít nhất và hiệu quả sử dụng cao nhất.
Bảo vệ môi trường, cùng Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP 26
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Tổ hợp Nhà máy chế biến gà xuất khẩu CPV FOOD do Công ty TNHH CPV FOOD (thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam) đầu tư tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Dự án Tổ hợp Nhà máy chế biến gà xuất khẩu CPV FOOD có số vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất thiết kế lên đến 100 triệu con/năm, trong đó giai đoạn 1 công suất 50 triệu con/năm. Đây là dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của Việt Nam với quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Tổ hợp Nhà máy CPV FOOD Bình Phước tuân thủ truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ đầu nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cho đến sản phẩm chế biến. CPV FOOD Bình Phước góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm từ gia cầm hàng đầu thế giới.
Làm việc với lãnh đạo Nhà máy, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ Nhà máy phải cố gắng nội địa hóa hơn nữa, không phụ thuộc vào nhập khẩu để chủ động nguồn thức ăn, giảm chi phí sản xuất và tránh phát sinh tiêu cực, góp phần cùng Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Nhà máy sử dụng diện tích lớn, có nhiều trang trại chăn nuôi, sẽ thải khí metan. Vì vậy, Nhà máy phải đầu tư công nghệ, xử lý môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP 26; đồng thời nâng cao hiệu suất sử dụng đất ở mức tối ưu nhất, qua đó cũng nâng cao hiệu quả đầu tư.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị Nhà máy tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách địa phương, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thực hiện 6 tốt để thu hút đầu tư
Cũng trong sáng 20/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dự lễ khánh thành Nhà máy Hayat Kimya Việt Nam tại Khu công nghiệp Becamex (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Nhà máy Hayat Kimya Bình Phước, có tổng mức đầu tư 250 triệu USD, sản xuất tã trẻ em thương hiệu Molfix (thuộc Công ty Hayat Việt Nam, Tập đoàn Hayat - nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ 5 thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ) được Tập đoàn Hayat kỳ vọng sẽ đảm nhiệm vai trò là trung tâm sản xuất của Đông Nam Á (dự kiến xuất khẩu 40% sản lượng sang Thái Lan, Malaysia); tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 50 triệu USD/năm.
Nhà máy Hayat Kimya khánh thành đi vào hoạt động là kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Bình Phước, trong bối cảnh 2 năm qua dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19 nhưng Bình Phước vẫn thu hút được rất nhiều dự án đầu tư FDI, mà Hayat là một trong những tập đoàn tiêu biểu.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc khánh thành Nhà máy và cam kết mở rộng đầu tư của Tập đoàn Hayat Kimya tại Việt Nam càng cho thấy sự hấp dẫn đầu tư quốc tế của Việt Nam nói chung và của Bình Phước nói riêng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi sản xuất, cung ứng trên toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định, tỉnh Bình Phước là địa phương có điều kiện phát triển, nhất là phát triển công nghiệp, nhưng hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó để thúc đẩy phát triển, tỉnh Bình Phước phải có hạ tầng tốt, nguồn nhân lực tốt, nền hành chính công tốt, làm quy hoạch tốt, quản trị tốt và bảo vệ môi trường tốt.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư đã chọn đầu tư tỉnh Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung; đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục đóng góp xây dựng quan hệ Việt Nam với các nước; góp phần giữ gìn, xây dựng hòa bình, hữu nghị, hợp tác trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các các nhà đầu tư góp phần đào tạo nguồn nhân lực, huy động nguồn tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao khoa học quản trị, điều hành cho Việt Nam; đồng thời thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết tốt lợi ích chính đáng của người lao động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, trong đó có nhà ở cho người lao động; góp phần phát triển hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội; trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã chia sẻ, sát cánh cùng Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng trong phòng, chống dịch và duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục mở rộng đầu tư; đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; cùng Việt Nam xây dựng môi trường sống tốt hơn; khuyến khích chuyển đổi năng lượng sang năng lượng gió, năng lượng tái tạo; góp phần làm cho trái đất xanh hơn, sạch hơn, chất lượng cuộc sống của con người ngày một tốt hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hayat nói riêng đầu tư thành công tại Việt Nam và tiếp tục mở rộng đầu tư; đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà nhanh và bền vững.