Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Bộ: Công An, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; về phía địa phương có Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, trong điều kiện có nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực đạt được kết quả khả quan.
Theo đó tỉnh cơ bản đạt được mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 2,62%, GRDP bình quân đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - thương mại, dịch vụ đạt trên 89,2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,8%. Thu ngân sách đạt 66.788 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 2,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 36% so với năm 2020.
Năm 2022, tỉnh Bình Dương tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
Tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét một số cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng đường Cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xem xét chủ trương đầu tư Đường sắt đô thị, thực hiện tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; ủy quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế một số dự án trên địa bàn; lộ trình thoái vốn nhà nước tại các Công ty cổ phần; về nhà ở cho công nhân, phát triển hạ tầng y tế...
Tại buổi làm việc, các bộ, ngành Trung ương có ý kiến và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương; đồng thời góp ý các nhiệm vụ, giải pháp để tỉnh phát triển bền vững. Theo các đại biểu, tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có hệ thống giao thông thuận lợi, là cửa ngõ của các tỉnh kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, có lợi thế phát triển.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương có bước phát triển vượt bậc, là hình mẫu cho nhiều địa phương học tập. Hiện tại tỉnh còn quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng về lâu dài sẽ dần hạn chế. Vì vậy, tỉnh Bình Dương cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển bền vững dựa vào công nghệ cao, đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt cần lưu ý đến đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục tương xứng với phát triển kinh tế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tỉnh Bình Dương có lợi thế để phát triển. Tỉnh có diện tích tự nhiên khá bằng phẳng; dân số gần 3 triệu người là nguồn lực quan trọng; là nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc và có nhiều di tích lịch sử; nhân dân tỉnh Bình Dương có truyền thống cách mạng, anh hùng, cần cù lao động, cầu thị, ham học hỏi, năng động, không ngừng đổi mới sáng tạo, luôn khát vọng vươn lên làm giàu cho quê hương đất nước.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã trở thành tỉnh năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để phát triển.
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số hạn chế của tỉnh Bình Dương như: hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng tuy được chú trọng đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là y tế, giáo dục, văn hóa chưa tương xứng; huy động nguồn lực ngoài nhà nước, hợp tác công tư chưa nhiều; công tác lập các quy hoạch có tầm nhìn chiến lược còn hạn chế; giải ngân đầu tư công còn chậm; việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân còn chậm; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu...
Trên cơ sở phân tích các bài học rút ra trong quá trình phát triển và dự báo tình hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh Bình Dương cần chủ động thực hiện để phát triển trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; thực hiện hiệu quả phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nền tảng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với tinh thần tự lực, tự cường, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bình Dương phải nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển của tỉnh trong sự phát triển chung của khu vực, cả nước để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp. Phấn đấu sớm đưa Bình Dương trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bình Dương cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương xứng với nhu cầu thời kỳ mới; phát triển hạ tầng số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu. “Bình Dương phải phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, bao trùm và không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng cho rằng, tỉnh Bình Dương cần chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tài chính xanh, quản trị xanh. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bình Dương tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và khắc phục những hạn chế, yếu kém để phát triển. Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, chính quyền số, công dân số. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường.
Trước mắt, tỉnh Bình Dương phải hoàn thành tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức tiêm mũi thứ 4 cho người dân cũng như tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, Bình Dương phải nhanh chóng xử lý, khắc phục hậu quả các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhanh chóng ổn định tình hình trong nội bộ và nhân dân. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng đề nghị tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn nhân lực; phát huy tính tự lực, tự cường, song phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, bộ, ngành để cùng nhau phát triển.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bình Dương tổng kết các mô hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, hiệu quả để nhân rộng ra cả nước. Thực hiện các biện pháp giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đối với công nhân, lao động.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý về mặt nguyên tắc; đề nghị tỉnh phối hợp với các bộ, ngành bàn bạc giải quyết theo thầm quyền; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng trong thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ phục hồi kinh tế - xã hội nhanh và phát triển bền vững; trở thành mô hình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội để nhân rộng ra toàn quốc.