Bên lề Kỳ họp, các đại biểu kỳ vọng, Quốc hội, Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đầu tư hiệu quả các công trình trọng điểm quốc gia.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho thấy, việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực; góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Các đại biểu bày tỏ phấn khởi trước việc Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, qua đó đã góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình) kỳ vọng thời gian tới, Chính phủ tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Theo đại biểu, nếu Chính phủ duy trì được ổn định vĩ mô và nhịp độ tăng trưởng tương đối cao trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì xuất khẩu cũng được đẩy mạnh.
Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã được cải thiện. "Việc ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên cơ sở thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố căn bản nhất giúp cho nền kinh tế có thể tăng trưởng bền vững về dài hạn. Đó là điều mà chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ tập trung nỗ lực", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau) cho biết, kỳ vọng của cử tri là quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng và phải đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của đại biểu dân cử các cấp. Chính phủ cũng cần quan tâm đến công tác đầu tư trong các nguồn ngân sách, để các công trình dự án, nhất là các công trình dự án trọng điểm của quốc gia đầu tư phải có hiệu quả.
Tích hợp các chính sách về dân tộc
Theo báo cáo, Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ, phát triển rừng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bước chuyển biến tích cực.
Đánh giá về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn đại biểu tỉnh Lâm Đồng) ấn tượng về chính sách phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc miền núi đã có những bước chuyển biến rất căn bản. Đời sống của người dân ở các tỉnh miền núi những năm gần đây đã thay đổi rõ rệt; kinh tế từng bước phát triển, chuyển đổi được mục đích cây trồng vật nuôi, có sự quy hoạch, đánh giá rõ ràng.
Tuy nhiên, theo đại biểu, khu vực kinh tế ở vùng này cần phải đầu tư mạnh hơn, có trọng điểm và sát với những địa hình của địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Để tạo sự đồng đều giữa các vùng dân tộc, Chính phủ cần có sự quan tâm thỏa đáng do kinh tế của vùng Tây Bắc có những đặc điểm khác với vùng Tây Nguyên...
Phân tích những khó khăn, bất cập trong việc phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, các chính sách dành cho vùng này hiện nay vẫn chưa liên kết được với nhau. Đại biểu lấy ví dụ, sự khó khăn của đồng bào dân tộc như một chiếc áo, chỗ này thì rách chỗ kia thì hở, nhưng khi áo đã không bền thì vá chỗ này lại bục chỗ khác.
Chính vì vậy, việc các chính sách không được thực hiện đồng bộ mới chỉ giải quyết được tình thế chứ chưa lo được những vấn đề mang tính tổng thể và toàn diện để đảm bảo cho bức tranh phát triển bền vững kinh tế đồng bào khu vực miền núi.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, để đánh giá độ khó và giải quyết tốt việc phát triển vùng đồng bào dân tộc cần phải xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng. Ông Nhưỡng lý giải, mỗi vùng có đặc trưng riêng về khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán... Vì thế, những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển kinh tế như thủy điện, phá rừng, ô nhiễm môi trường... đã làm thay đổi cả một hệ thống sinh thái, dẫn đến đời sống của người dân có nhiều thay đổi.
"Chúng ta phải nghiên cứu lại hệ thống chính sách, làm sao để tích hợp các chính sách để đi vào cuộc sống. Mỗi nhóm chính sách phải có một điểm nhấn, chứ không nên dàn trải vì kinh phí đầu tư cho vùng này từ trước vẫn gọi là lớn nhưng so với độ khó của việc thực hiện thì vẫn như muối bỏ bể, không giải quyết được vấn đề", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Muốn làm được điều này, theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Chính phủ cần phải có cuộc giám sát toàn diện về dân tộc miền núi. Đồng bào dân tộc sống ở khu vực miền núi không chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà họ còn đang thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh cho đất nước. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải có chính sách ưu tiên để người dân yên tâm sinh sống, sẵn sàng góp công, góp sức, giữ gìn "phên dậu" cho đất nước.