Sau 3 tháng đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương (đã có gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái).
Hiện nay, hệ thống đã thực hiện tích hợp để nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tại An Giang; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận); thực hiện nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên toàn quốc.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ dù trong giai đoạn thử nghiệm đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến kinh tế- xã hội hằng ngày, hằng tháng, quý và năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tích hợp 11 dịch vụ công có ý nghĩa lớn góp phần tiết kiệm phần lớn thời gian, vật chất, kinh phí, tiền bạc. Đây cũng là cách phòng, chống tham nhũng hiệu quả thông qua việc hạn chế gặp gỡ giữa những người quản lý thực hiện với người thực hiện. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 lan tràn, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ và gặp gỡ sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia trên tinh thần "những việc có lợi cho dân, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì chúng ta nên thực hiện".
Thủ tướng lưu ý công tác bảo mật thông tin; tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác tác tiếp nhận, giải quyết cần đúng tiến độ, chất lượng; nâng cao chất lượng phục vụ. Thủ tướng đề nghị cần triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng bộ, từng ngành, bộ.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, hồ sơ trên Hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận.
Đi đôi với đó là tiếp tục đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế thu và xử lý hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện dịch vụ công cộng, dịch vụ dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để góp phần thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu tích hợp cung cấp dịch vụ đáp ứng một cách tự nguyện.
Đi liền với đó là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên mạng, Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Đến ngày 11/3, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ đã triển khai 19 chế độ báo cáo của 9 Bộ, cơ quan cấp thông tin hằng ngày phục vụ chỉ đạo, điều hành khối lượng công việc rất lớn này. Đối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin; thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ để sớm hình thành hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ cần xây dựng một trung tâm chuẩn bị để khai thác các báo cáo; cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu, đồ thị, hình ảnh minh họa, trực quan, sinh động; những vấn đề kinh tế xã hội nóng cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo hằng ngày như tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường; Báo cáo kinh tế xã hội hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Thiết kể giao diện của hệ thống phải đổi mới. Cải cách mạnh mẽ, nhất là áp dụng những tiến bộ mới về khoa học, công nghệ để đóng góp đưa đất nước chúng ta tiến lên.