Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã đưa ra nhiều ý kiến, thảo luận đóng góp vào việc sửa đổi các dự án Luật.
Bên lề Kỳ họp, chia sẻ quan điểm về những nội dung liên quan đến Luật Tố cáo, nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác minh và có chế tài xử lý những hành động tố cáo, bôi nhọ danh dự các cá nhân, tập thể trên mạng xã hội.
Theo các đại biểu Quốc hội, thời gian vừa qua, tình trạng thông tin được lên mạng xã hội ngày càng nhiều. Không ít trường hợp đem lại lợi ích to lớn, giúp cho các cơ quan chức năng nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời. Tuy nhiên, sự bùng nổ của mạng xã hội và việc tự do thể hiện quan điểm cá nhân cũng xảy ra không ít hệ lụy, gây hoang mang cho cộng đồng, xã hội.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Chiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Khi đã trở thành “nạn nhân” của những thông tin lan truyền, dù ít hay nhiều, cá nhân, tổ chức bị bôi xấu vẫn là phía chịu thiệt hại. Những thay đổi quan trọng trong hệ thống luật khiến người dùng mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý với những phát ngôn của mình.
Nhiều trường hợp liên quan đến các hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội đã bị đưa ra khởi tố. Tuy nhiên, việc xác minh, xử lý triệt để, đúng pháp luật cũng đang là vấn đề khó khăn đối với các cơ quan chức năng.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, hành động đưa thông tin lên mạng xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, uy tín, danh dự của tổ chức, công dân theo quy định của pháp luật hoàn toàn có thể căn cứ tùy theo mức độ để xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, việc xác định danh tính người đưa thông tin cũng như cơ quan quản lý hệ thống mạng còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đại biểu, những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội (facbook, zalo…) đến nay vẫn chỉ được coi là quan điểm cá nhân, không chính thống, nên khó lấy đó làm căn cứ để xử lý. “Họ không gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan chức năng theo trình tự của Luật Tố cáo, nên không có căn cứ để thụ lý, xác định thời hạn giải quyết. Đó chỉ có thể coi là tin báo về vấn đề tội phạm để cơ quan có thẩm quyền căn cứ xử lý như một cách để ngăn ngừa tội phạm”, đại biểu Nguyễn Chiến cho hay.
Bày tỏ quan điểm về những thông tin tố cáo trên mạng xã hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu rõ: Quốc hội đang bàn cụ thể về vấn đề này để bổ sung vào Luật Tố cáo trên tinh thần mở rộng, tạo điều kiện tối đa để người dân nêu ý kiến, đảm bảo tính dân chủ. Việc bảo vệ cho người tố cáo là cần thiết nhưng cũng phải có tính toán và giải pháp cụ thể, tránh hiện tượng lợi dụng việc tố cáo, gây xáo trộn cả xã hội, kể cả vu khống. Nhà nước cần xây dựng chế tài từ hai phía, tôn trọng người tố cáo đúng, nhưng cũng phải thực sự nghiêm khắc với người tố cáo sai.