Chỉ có những việc “mắt thấy, tai nghe”, “người thật, việc thật”, bằng kết quả cụ thể, mới có thể thuyết phục được quần chúng, đúng với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Quy định số 08-QĐi/TW vừa được ban hành, đã nêu rõ nội dung cụ thể về trách nhiệm nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, một lần nữa cho thấy: Hiệu quả đạt được trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao chính là thước đo về sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị công tác nào.
Làm đúng, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao
Quy định số 08-QĐi/TW vừa được ban hành, có tới 8/16 khoản (số 3,4,5,6 của Điều 2 và 3,5,7,8 của Điều 3) nêu cụ thể nội dung trách nhiệm nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những nội dung cụ thể được quy định trong văn bản này một lần nữa khẳng định tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng, rèn luyện, đào tạo cán bộ. Người không ít lần đề cập đến trách nhiệm nêu gương, vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thể hiện ở thái độ “kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân...”.
Cũng từ năm 1927, trong cuốn "Đường Kách mệnh", Người đã chỉ ra 23 chuẩn mực cần có đối với người cách mạng, quy tụ trong ba mối quan hệ: Đối với mình; Đối với người; Đối với công việc. Riêng trong mối quan hệ với công việc, Người căn dặn, muốn hoàn thành tốt công việc đoàn thể giao, cần: “Xem xét hoàn cảnh kỹ càng; Quyết đoán; Dũng cảm; Phục tùng đoàn thể”; và “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó khăn, nguy hiểm”.
Thấu suốt và trung thành với tư tưởng, quan điểm của Người trong công tác xây dựng Đảng, nhiều thập kỷ qua, Đảng ta luôn nhấn mạnh yêu cầu phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước tiên là trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao. Quy định số 08-QĐi/TW được đánh giá là có ý nghĩa lớn về mặt chính trị bởi so với Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012, Quy định mới này được nâng tầm cả về cấp ban hành - từ Ban Bí thư lên Ban Chấp hành Trung ương và đối tượng thực hiện - từ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp lên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Điều đó khẳng định thêm ý chí, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Những nội dung cụ thể được đề ra trong Văn bản này chỉ rõ những việc cần làm, những việc phải tránh, với tinh thần “có xây, có chống và xây trước, chống sau”, rất gần với nguyên lý phòng chữa bệnh “nhân cường tật nhược” - người khỏe thì bệnh lui, chữa trị bệnh đi đôi với tăng cường sức khỏe, của các lương y Việt Nam xưa.
Từ Quy định số 101- QĐ/TW đến Quy định số 08-QĐi/TW, những nội dung về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp cao trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao, đều rất ngắn gọn, cụ thể, sát với thực tiễn đất nước. Mỗi văn bản quy định nội dung nêu gương ở cấp độ khác nhau, phù hợp với yêu cầu, đối tượng thực hiện, nhưng đều nhấn mạnh, trước hết phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cán bộ, đảng viên còn phải gương mẫu đi đầu trong học tập, nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo việc vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động sản xuất, công tác, thực hiện cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quy định số 08-QĐ/TW ghi rõ: “Tâm huyết, tận tụy với công việc... Chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.”
Sự nêu gương trong công việc còn thể hiện ở chỗ: Làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc. Quy định số 08-QĐ/TW đã chỉ ra rằng: “Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực… Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc nhở khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên, đó là phải “đúng vai, thuộc bài”, mỗi người hãy làm đúng, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thì tất cả sẽ chuyển động, sẽ tốt lên.
Thực tế cho thấy: Làm đúng, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, cũng chính là để ngăn chặn sự suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, cơ hội, thực dụng… Kết quả công tác xử lý kỷ luật cán bộ hơn 2 năm qua cho thấy, trong số 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng, thậm chí phải xử lý bằng pháp luật, chủ yếu là do vi phạm quy chế, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không hoàn thành bổn phận trước Đảng, trước nhân dân.
Phát huy sức mạnh tập thể, vì việc chung
Đối với người cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao của Đảng, thước đo về sự nêu gương không chỉ dừng lại ở chỗ hoàn thành tốt công việc của mình, mà còn là khả năng đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ. Đây cũng là thước đo chuẩn xác để nhận xét, đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao.
Hiệu quả, hiệu lực lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ của mỗi cá nhân hay tập thể là kết quả tổng hòa của nhiều năm tháng tu rèn, cống hiến, bao gồm cả năng lực, khả năng phán đoán, xử lý, điều hành công việc chung, tập hợp trí tuệ, tâm sức cộng đồng; hay bản lĩnh đề kháng trước những cám dỗ nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường, vững vàng trước mọi thách thức, tranh thủ được cơ hội và chủ động đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Quy định số 08-QĐ/TW nêu rõ những việc cần làm như: “… thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể… tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.”
Muốn vậy, người cán bộ nhất thiết phải có phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn; công tâm, khách quan; thu hút, trọng dụng người có đức, có tài. Quy định 08-QĐi/TW đã chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu nêu gương”; không được “độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân…; định kiến với người góp ý, phê bình; can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định…”; không được “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”…
Bác Hồ đã căn dặn: Đối với người cán bộ, trên hết là tinh thần “Dĩ công vi thượng” - để công việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Việc gì có lợi cho dân cho nước thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì hết sức tránh.
Thực tế cho thấy, những cán bộ "mỏng đức, kém tài" thường có biểu hiện kèn cựa, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; “lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm, hoặc lợi dụng danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân”.
Không thiếu những trường hợp không gương mẫu trong công tác, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; trong công việc thường áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác. Không ít người tham vọng chức quyền, nhưng lại kén chọn việc dễ, chọn nơi có nhiều lợi ích, né tránh việc khó, không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, khó khăn, chỉ nhìn thấy trước mắt, tập trung giải quyết những vấn đề có lợi cho riêng mình…
Đối với đông đảo quần chúng nhân dân, nêu gương không phải là những điều quá cao xa, to tát, mà chính là những việc làm cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, sinh hoạt, công tác thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên. Chỉ có những việc làm “mắt thấy, tai nghe”, “người thật, việc thật”, bằng kết quả cụ thể, mới có thể thuyết phục được quần chúng, đúng với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Nâng cao năng lực cán bộ trong thời kỳ mới
“Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài", cùng với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải có năng lực. Chỉ có những cán bộ có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc, dù công việc khó khăn, vất vả đến đâu, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng có thể hoàn thành. Theo Người, năng lực của cán bộ được thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc, làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn mình phụ trách. Bởi vậy, đối với cán bộ, đảng viên, “chỉ có một thứ ham là: Ham học, ham làm, ham tiến bộ".
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng và phức tạp, đất nước ta cũng đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế cùng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ càng trở lên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết.
Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII (Nghị quyết số 26-NQ/TW) đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Trong đó, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh nhóm giải pháp về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cả về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách về đãi ngộ cán bộ, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài; tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.
Nghị quyết cũng đề ra nhiều giải pháp mới, có tính đột phá, nhằm xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cụ thể như: Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ.
Nhằm cụ thể hóa những nội dung tư tưởng này, Quy định số 08-QĐi/TW vừa qua đã đề ra rất mạnh mẽ việc cần làm: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”, khẳng định thêm quyết tâm của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cán bộ, đề cao trách nhiệm nêu gương trong công tác, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Đó chính là sự gặp gỡ giữa ý Đảng, lòng dân; sự cam kết chính trị giữa tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhân dân; quyết tâm xây dựng, đốn chỉnh đội ngũ, để Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của nhân dân.