Xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch
Tờ trình về việc đề nghị xây dựng và dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch nêu rõ, Luật Quy hoạch điều chỉnh việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ nghiên cứu xây dựng dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Việc ban hành dự án Pháp lệnh này để đồng bộ với Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.
Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về tiến độ sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có liên quan, bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019.
Đa số ý kiến nhất trí việc sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch cần thống nhất theo nguyên tắc đã được áp dụng trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, theo đó các pháp lệnh có liên quan phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật Quy hoạch và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với Luật Quy hoạch; bảo đảm các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia phải thực hiện theo Luật Quy hoạch; bảo đảm thứ bậc của các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; bảo đảm sự thống nhất nội tại của các pháp lệnh được sửa đổi, bổ sung và tính khả thi khi triển khai thi hành các quy định về quy hoạch.
Về tên gọi dự án Pháp lệnh, đa số ý kiến đề nghị sửa đổi tên gọi dự án Pháp lệnh là “Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch” để thống nhất với tên “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch” và “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch” đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 và 6 để dễ tra cứu, trích dẫn sau này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo thể hiện lại tên gọi của Pháp lệnh là “Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch” để làm rõ được phạm vi điều chỉnh và dễ dẫn chiếu, dễ phân biệt.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Pháp lệnh, những nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch được đề xuất đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch và phù hợp với mục đích, yêu cầu về bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm không để sót các pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cho ý kiến tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nội dung của tờ trình, báo cáo và dự thảo pháp lệnh, cho rằng dự thảo pháp lệnh đã đủ chất lượng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giao Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên họp thẩm tra chính thức theo đúng thủ tục quy định, hoàn chỉnh toàn bộ dự thảo pháp lệnh cũng như thống nhất lại các vấn đề liên quan cả về nội dung và kỹ thuật. Sau đó, Ủy ban Kinh tế sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo pháp lệnh trong một phần thời gian buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội sắp tới.
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân
Trình bày tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND các cấp đã có nhiều cố gắng trong đổi mới cả về tổ chức và phương thức hoạt động để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền hạn của nhân dân.
Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND còn có những nội dung quy định có tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa rõ ràng hoặc có những nội dung chưa được luật quy định như: cách thức, trình tự thực hiện một số hoạt động tại kỳ họp HĐND; việc sử dụng con dấu của HĐND; việc tổ chức hoạt động thư ký kỳ họp HĐND… Điều này dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.
Để khắc phục bất cập này, Ban Công tác đại biểu đã tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hơn 30 văn bản xử lý các vướng mắc cụ thể.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của HĐND các cấp do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày tại phiên họp nêu rõ, trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã cho thấy một số nội dung của các luật này còn chưa đủ cụ thể làm cho các địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện.
Nhiều địa phương đã có ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn chung để thực hiện một số nội dung trong tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để hướng dẫn hoạt động của HĐND phù hợp với thẩm quyền đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số hoạt động của HĐND các cấp.
Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, hồ sơ dự thảo Nghị quyết được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Ban soạn thảo đã tổ chức một số hội nghị lấy ý kiến của các địa phương, xin ý kiến của Chính phủ, các chuyên gia và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã chuẩn bị đầy đủ, bao gồm Tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Báo cáo tổng kết, Báo cáo đánh giá tác động, Bản tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, ý kiến của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Chính phủ.
Góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng quy định trong việc xem xét giải quyết vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp thuộc thẩm quyền của HĐND có nội dung về kỳ họp bất thường. Ông Hà Ngọc Chiến cho rằng có cách gọi tên riêng để phân biệt với kỳ họp thường lệ là cần thiết, song chữ “bất thường” có thể khiến nhân dân đặt câu hỏi về tình hình đặc biệt, bất khả kháng, trong khi thực tế những nội dung họp bàn và được quyết định trong các kỳ họp bất thường đều rất bình thường.
Từ nguyên nhân này, ông Hà Ngọc Chiến đề xuất thay từ “bất thường” trong tên gọi “kỳ họp bất thường” thành từ khác, chẳng hạn như “kỳ họp chuyên đề” về những nội dung cụ thể như kinh tế - xã hội, chính sách... để khiến dư luận dễ tiếp nhận và hiểu sát hơn về tình hình kỳ họp.
Thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng có thể gọi là triệu tập thêm kỳ họp.
Về cách gọi này, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trích dẫn điều 80 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có nói về kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng vấn đề này đã được trao đổi, bàn thảo nhiều lần, nên tiếp tục giữ nguyên cách gọi. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân.