Thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luậtTrước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 3/7/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Báo cáo đã giải trình làm rõ các vấn đề về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, cách viết hoa trong văn bản, quy định sử dụng ngôn ngữ trong văn bản, cách thể hiện bố cục văn bản và các nội dung khác.
Đối với cách viết hoa trong văn bản, một số ý kiến tán thành việc dự thảo Nghị quyết cần có quy định về cách viết hoa trong văn bản để thống nhất cách sử dụng trong hệ thống pháp luật; có ý kiến đề nghị có thể tham khảo cách viết hoa của Chính phủ, nếu phát hiện chưa hợp lý thì có thể đề nghị Chính phủ sửa đổi.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định về cách viết hoa trong dự thảo Nghị quyết, vì trong hệ thống văn bản của Quốc hội và hệ thống văn bản của các cơ quan Chính phủ hiện vẫn có sự thống nhất nội tại trong từng hệ thống về cách viết hoa và phù hợp với cách viết hoa trong Hiến pháp, không nhất thiết phải giống nhau.
Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật là ngôn ngữ pháp lý, theo văn phong pháp lý, việc sử dụng từ ngữ viết tắt trong văn bản quy phạm pháp luật, về nguyên tắc là rất hạn chế. Để bảo đảm không hiểu sai từ ngữ viết tắt trong văn bản thì phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên hoặc tại một điều về giải thích từ ngữ viết tắt. Việc sử dụng từ ngữ phiên âm tiếng nước ngoài, cũng giống từ ngữ viết tắt, cũng là rất hạn chế, chỉ trong trường hợp không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế.
Về cách thể hiện bố cục văn bản, một số ý kiến tán thành với việc cần có bố cục nhỏ hơn điểm, nhưng cần quy định cụ thể để thống nhất áp dụng. Ý kiến khác đề nghị không quy định về bố cục nhỏ hơn điểm để bảo đảm phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu, phải thận trọng bởi những quy chuẩn của Quốc hội có thể được các trường học lấy làm quy chuẩn ngữ pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có quan điểm với các tên riêng nước ngoài nên phiên âm sang tiếng Việt.
Về cách thể hiện bố cục văn bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, không nên quy định về bố cục nhỏ hơn điểm để bảo đảm việc trích dẫn và sử dụng hiệu quả các văn bản. Đối với cách viết hoa, đại biểu đề nghị thống nhất cách viết hoa như cách dùng của các cơ quan Đảng và Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với những nội dung tại Báo cáo giải trình và nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết và đúng đắn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc sử dụng viết hoa còn tùy tiện; các văn bản của các cơ quan Quốc hội, Đảng, Chính phủ phải thống nhất cách viết hoa, thể thức văn bản cũng phải giống nhau. Theo Chủ tịch Quốc hội, tên riêng tại các Ủy ban của Quốc hội cần được viết hoa để có sự phân biệt.
Với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 3/7/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Nghiên cứu kỹ cơ chế hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, đa số ý kiến cho rằng, chính sách phát triển du lịch được quy định tại Điều 5 còn chung chung, cần bổ sung một số chính sách đặc thù đảm bảo du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thảo luận việc thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài (Khoản 4 Điều 73), một số ý kiến đồng ý với sự cần thiết thành lập Văn phòng này, đặc biệt tại một số thị trường trọng điểm. Văn phòng hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Một số ý kiến cho rằng, không cần thiết thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; giao nhiệm vụ cho Đại sứ quán thực hiện; nên để các doanh nghiệp du lịch mở văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Qua thảo luận, đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhưng cần quy định cụ thể nguồn thu, chủ thể quản lý, cơ chế, nguyên tắc hoạt động; mục tiêu của Quỹ. Một số ý kiến không đồng ý với việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, tránh tình trạng phát sinh nhiều loại quỹ.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, quy định Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cần phải tính toán cụ thể để thực hiện chủ trương này, trong đó chú trọng đến những quy định chi tiết về các khoản thu, chi; mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, cần có sự đánh giá tác động, hướng phát triển của Quỹ này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu nội dung về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quy định tại 4 điều (từ Điều 74-77).
Điều 74 có quy định: “Quỹ là tổ chức tài chính Nhà nước”, đại biểu băn khoăn, nếu là tài chính Nhà nước thì các doanh nghiệp sẽ không chủ động đóng góp vào Quỹ. Đồng thời cả 4 điều đều không quy định cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ này. Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định các khoản thu đóng góp Quỹ chưa rõ ràng, chồng chéo với các luật khác.