Trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Trần Đức Bình cho biết với tư cách là đại diện thường trực của nước Chủ tịch ASEAN 2020, Phái đoàn sẽ chủ trì khoảng 300 cuộc họp trong suốt cả năm. Với lượng công việc lớn và những ưu tiên của Năm Chủ tịch 2020, Phái đoàn sẽ phối hợp với trong nước và Ban thư ký ASEAN tại Jakarta; tăng cường tham vấn, chia sẻ thông tin với các nước thành viên thông qua Ủy ban các đại diện thường trực, các cơ chế hợp tác cấp đại sứ giữa ASEAN và các đối tác.
Dự kiến, Phái đoàn sẽ đề xuất thông qua quy chế hoặc hình thức nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các kênh trong hợp tác ASEAN; đồng thời tham gia đàm phán nhiều văn kiện hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Cụ thể, trong năm 2020, có đến 7 kế hoạch hành động giữa ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga, Mỹ, Canada sẽ được xây dựng và trình các bộ trưởng cũng như lãnh đạo cấp cao thông qua….
Nhìn lại năm 2019, Đại sứ Trần Đức Bình cho rằng hợp tác khu vực và chương trình kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được thực hiện rất hiệu quả với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” của năm 2019 và tiếp nối chủ đề “Một ASEAN tự cường và sáng tạo” của năm 2018. Đại sứ nhấn mạnh: “ASEAN thực sự đã trưởng thành và có những bước phát triển rất quan trọng trong nỗ lực xây dựng cộng đồng cũng như trong việc duy trì vai trò trung tâm của mình ở khu vực”.
Trong bối cảnh đó, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã tham gia tích cực trong các hoạt động chung của ASEAN tại Jakarta và trong khuôn khổ của Ủy ban các đại diện thường trực, đồng thời đóng góp cho hợp tác trong nội khối cũng như hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.
Một là, Phái đoàn đã tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Hiến chương ASEAN, trong đó có giám sát, thúc đẩy việc thực hiện các quyết định cấp cao cũng như các nỗ lực chung trong xây dựng cộng đồng; cùng nhau thảo luận và tìm ra những vấn đề, những điểm vướng mắc cần phải tháo gỡ đặc biệt là trong việc điều phối liên trụ cột.
Hai là, với vai trò là thành viên của Ủy ban điều phối kết nối ASEAN, Phái đoàn đã tham gia điều phối và thúc đẩy các hoạt động chung. Đặc biệt năm 2019, Phái đoàn và các đại diện thường trực khác đã cùng Ban thư ký ASEAN và các nhà tư vấn công bố danh mục các dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng. Đây là cơ sở rất quan trọng để mời các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tham gia hỗ trợ ASEAN phát triển hạ tầng cơ sở, tăng cường kết nối, từ đó tạo thuận lợi rất lớn cho thương mại, đầu tư cũng như di chuyển của người dân và du lịch giữa các quốc gia.
Ba là, Phái đoàn đã tham gia thiết thực trong Nhóm đặc trách về Sáng kiến liên kết ASEAN vốn được Việt Nam đề xuất và thông qua năm 2000 khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN giai đoạn 2000-2001. Sáng kiến này là cơ sở để các nước hợp tác với nhau và hỗ trợ các nước kém phát triển thu hẹp khoảng cách.
Bốn là, Phái đoàn cùng đại diện thường trực các nước tại ASEAN đã thực hiện vai trò là đầu mối triển khai, giám sát và thúc đẩy các dự án hợp tác giữa các nước ASEAN với các đối tác; soạn thảo và trình các bộ trưởng và các lãnh đạo cấp cao thông qua các văn kiện hết sức quan trọng như Tuyên bố chung ASEAN - EU về hợp tác về an ninh mạng, Kế hoạch hành động ASEAN - Australia giai đoạn 2020-2024, Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Đông Á về hợp tác phòng chống ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN +3 về sáng kiến kết nối các kết nối, Tuyên bố về hài hòa giữa các sáng kiến kết nối của ASEAN với sáng kiến “Vành đai - con đường” của Trung Quốc, Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc….
Theo Đại sứ Trần Đức Bình, tất cả các văn kiện mà Phái đoàn đã tham gia xây dựng đều thể hiện lập trường chung của ASEAN nhưng đồng thời cũng thể hiện được những ưu tiên quan trọng của Việt Nam trong hợp tác ASEAN.
Năm là, trong vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Phái đoàn đã chủ trì và triển khai nhiều hoạt động hợp tác giữa Phái đoàn Nhật Bản tại ASEAN cũng như với Bộ ngoại giao Nhật Bản. Ví dụ, Phái đoàn đã thúc đẩy để ký Hiệp định hợp tác kỹ thuật ASEAN - Nhật Bản. Đây là nền tảng rất quan trọng hỗ trợ cho Nhật Bản tăng cường hỗ trợ hợp tác về kỹ thuật cho tất cả các nước ASEAN. Phái đoàn đã thúc đẩy triển khai 2 dự án về đào tạo trong khuôn khổ Hiệp định này. Dự kiến, hiện Phái đoàn đang rà soát và sẽ kiến nghị thúc đẩy triển khai ít nhất 3 dự án nữa trong năm 2020.
Phái đoàn cũng chủ trì xây dựng Tuyên bố tầm nhìn của lãnh đạo cấp cao ASEAN-Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác về kết nối. Đây cũng là việc hết sức quan trọng, kết hợp nhiều nguyên tắc và những ưu tiên hiện nay trong khuôn khổ G20. Đây là cơ sở cho hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở nhưng đồng thời cũng là cơ sở cho hợp tác giữa ASEAN với tất cả các đối tác khác.
Cuối cùng, Đại sứ Trần Đức Bình cho biết cũng trong vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản, Phái đoàn còn phối hợp với trong nước thúc đẩy và lần đầu tiên tổ chức Ngày ASEAN - Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản.