Xác định chương trình rồi mới tính tới sách giáo khoa

Dự kiến Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) sẽ được Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 này. Chủ trương của đề án là đúng, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, trong nội dung đề án Bộ GD - ĐT đang quá quan tâm tới SGK, trong khi điều quan trọng hơn là chương trình học chuẩn, thì chưa được nhắc tới.

Đi vào gốc vấn đề


GS. Hoàng Xuân Hóa, ĐH Hàng hải (Hải Phòng) cho rằng, trong bốn khâu “chương trình, SGK, đội ngũ, cơ sở vật chất”, khâu “chương trình” vô cùng quan trọng. Bộ GD - ĐT nên nghĩ tới việc xây dựng chương trình rồi mới bàn đến vấn đề SGK. “Bộ đang quá quan tâm đến việc làm SGK ra sao, mà chưa quan tâm tới chương trình”, GS Hóa nhấn mạnh.

Cho rằng việc viết sách cần có “kim chỉ nam”, GS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định, tác giả viết SGK sắp tới phải được tập huấn để nắm chương trình, nguyên tắc sư phạm. “Bản chất của dạy học tích hợp là giáo viên phải hai trong một, vừa là nhà chuyên môn về lĩnh vực khoa học ấy, đồng thời là nhà sư phạm. Được như vậy, tôi tin rằng SGK sẽ thể hiện vai trò của nó trong quá trình dạy và học”, GS Báo cho biết.

Đồng quan điểm này GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng, trước tiên cần thống nhất một chương trình tối thiểu hay căn bản mà học sinh cần phải có, để làm công việc tiếp theo. Khi xây dựng chương trình, cần lưu ý sự khác nhau về năng lực học sinh, điều kiện kinh tế xã hội các vùng miền, sự đầu tư của gia đình.

“Hiến kế” cho Bộ GD - ĐT, GS Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch Hội Tâm lý Việt Nam cho biết, Bộ GD - ĐT nên huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, các đối tượng. “Chưa rõ làm chương trình thì đừng nên tính đến chuyện tổ chức biên soạn, xuất bản SGK. Tôi nói trên căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao của đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết của Đảng đã nêu ra”.

Học kinh nghiệm quốc tế

GS Đinh Quang Báo cũng cho biết thêm, xu hướng viết SGK dựa vào yêu cầu chương trình là việc mà các nước trên thế giới đang làm. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn quen cách để tác giả sáng tạo. Do vậy, Bộ GD- ĐT phải chủ trì tổ chức một bộ sách giáo khoa, đồng thời động viên các nhà xuất bản cùng các tác giả khác dựa vào chương trình, pháp lệnh để biên soạn SGK. Bộ GD - ĐT sẽ có một hội đồng thẩm định các bộ sách này.

“Về lâu dài, vai trò thẩm định lớn nhất vẫn là thực tiễn, là học sinh và giáo viên. Với một chương trình chuẩn sẽ có nhiều bộ SGK, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ. Điều này sẽ khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên”, GS Đinh Quang Báo khẳng định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có một chương trình khung về giáo dục được sự đồng thuận của một hội đồng khoa học do Nhà nước thành lập và phải bỏ chương trình hiện hành vì đang có quá nhiều vấn đề gây mâu thuẫn.

Dẫn chứng về sự cần thiết của chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong chương trình chi tiết của Canada, mỗi môn ở mỗi lớp được trình bày như một quyển SGK, trong đó có bài đọc, các bài tập và kiến thức cần hình thành. Giáo viên và học sinh sử dụng chương trình này làm tài liệu chính để dạy và học. Trên cơ sở chương trình, giáo viên có thể bổ sung các tài liệu dạy học khác phù hợp với yêu cầu kiến thức, kỹ năng, tình hình cụ thể của học sinh”.

Từ những sự hiến kế này, có lẽ đã đến lúc Bộ GD - ĐT nên có sự lắng nghe và chỉnh sửa những nội dung trong đề án cho phù hợp, để đề án có thể triển khai thành công sau khi Quốc hội thông qua.

Hồng Lê
Đổi mới thực chất chương trình, sách giáo khoa
Đổi mới thực chất chương trình, sách giáo khoa

Chiều 11/11, trong phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương cũng như lộ trình thực hiện Đề án. Tuy nhiên...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN