Năm nghị sĩ sẽ định hình chính sách đối ngoại của Mỹ - kỳ cuối

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đã chứng kiến sự soán ngôi của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, đồng nghĩa với việc đảng này đã kiểm soát được lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Tiếng nói của các nghị sĩ Cộng hòa sẽ quyết định tới chính sách đối ngoại và các vấn đề an ninh trong nửa cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Trong số các nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng phải kể đến Tom Cotton, Joni Ernst và Bob Corker.

Thượng nghị sĩ (TNS) Tom Cotton.

Tom Cotton - Ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa

Chiến thắng của Thượng nghị sĩ (TNS) Tom Cotton trước Mark Pryor tại Arkansas, một trong 7 bang mà đảng Dân chủ đánh rơi chiến thắng, đã bổ sung vào Thượng viện một nhân vật tân bảo thủ kỳ cựu. Là một cựu binh từng có mặt tại Afghanistan và Iraq, Cotton chỉ trích gay gắt chính quyền của Tổng thống Obama về nhiều vấn đề, đặc biệt là vụ trao đổi Trung sĩ Bowe Bergdahl với 5 tù nhân Taliban.

“Mỗi ngày tại Trường Ranger (trường huấn luyện chiến thuật quân sự Mỹ, nơi Cotton từng được đào tạo), chúng ta luôn nhắc nhở những người lính rằng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi đồng đội bị ngã xuống. Nhưng khi chúng ta nhắc lại lời hứa này, chúng ta không cam kết rằng sẽ đổi 5 kẻ giết người hàng đầu của Taliban lấy một chiến sĩ và cũng không có bất kỳ người lính nào mong muốn điều đó xảy ra”, ông Cotton tuyên bố.

Trưởng thành từ vùng Arkansans xa xôi trong một thị trấn chỉ có 4.000 dân, Tom Cotton, sinh năm 1977, nhận bằng luật tại Đại học Havard sau đó đi theo đường binh nghiệp và được điều tới chiến trường Iraq, rồi Afghanistan. Tom Cotton được gọi là “chàng trai vàng” của đảng Cộng hòa và nổi tiếng với quan điểm diều hâu. Tom Cotton được những nhân vật bảo thủ có ảnh hưởng nhất Mỹ hậu thuẫn, giới phân tích chính trị cho rằng ngôi sao đang lên này có thể đại diện cho một phong trào rộng lớn hơn trong chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa. Vị TNS này từng gọi cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003 là cuộc chiến “đúng đắn và cao quý” khiến nhiều người cho rằng nếu nghe Tom Cotton nói, người ta có thể thấy chính sách của Mỹ thời Tổng thống Bush (con) đang sống lại.

Mới bước vào chính trường năm 2012 với một ghế tại Hạ viện, nhưng tính chất hiếu chiến chính là từ lột tả được quan điểm chính trị của vị tân TNS này. Rất bảo thủ trong chính sách đối nội và cứng rắn trong các vấn đề an ninh, ông từng viết cho các phóng viên tờ New York Times, những người tiết lộ chương trình do thám mật hoạt động tài chính của khủng bố rằng: “vị trí của các vị sẽ không phải trên bục nhận giải (báo chí) Pulitzer mà đằng sau song sắt”.

Thượng nghị sĩ Cotton là một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, ông không cho biết ông sẽ muốn ngồi tại Ủy ban Tình báo Thượng viện hay Ủy ban Đối ngoại hoặc Ủy ban Quân lực, song chắc chắn ông sẽ ủng hộ chủ trương can dự tích cực của Mỹ với thế giới.

Joni Ernst - Cựu binh nữ đầu tiên trong Thượng viện

Joni Ernst - Cựu binh nữ đầu tiên trong Thượng viện.

Ernst là người phụ nữ đầu tiên đại diện cho bang Iowa trong Quốc hội Mỹ và cũng là cựu nữ quân nhân đầu tiên trong Thượng viện nước này. Với 21 năm phục vụ trong quân ngũ và từng trải qua hơn 1 năm tham gia chiến dịch “Iraq Tự do” năm 2003, trong cuộc đua tại bang Iowa, bà Joni Ernst đã luôn nhấn mạnh việc bà là một Trung tá phục vụ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Iowa khi tuyên bố: “Điều mà tôi muốn thực hiện đó là so sánh và làm nổi bật những kinh nghiệm của tôi trong các vấn đề đối ngoại, chính sách ngoại giao, quân sự với nghị sĩ Bruce Braley (người mà bà đã đánh bại) và Tổng thống Obama”.

Phe Dân chủ cáo buộc bà Ernst là một nhân vật cực hữu, một hình ảnh khác của Sarah Palin (ứng viên Phó Tổng thống Mỹ trong đợt bầu cử 2008). Khi được hỏi liệu có ủng hộ việc tiến hành các cuộc không kích hạn chế chống IS tại Iraq hiện nay hay không, bà Ernst khẳng định: “Điều mà tôi sẽ ủng hộ là đưa thêm quân vào Iraq và đồn trú tại đây lâu hơn”.

Vị Thượng nghị sĩ sinh năm 1970 này cũng chỉ trích kịch liệt chính quyền Washington đã chờ đợi quá lâu để giải quyết mối đe dọa mang tên IS. Các trợ lý của bà không tiết lộ liệu TNS Ernst mong muốn có một vị trí tại một ủy ban có liên quan tới chính sách đối ngoại hay không, nhưng ít có khả năng bà sẽ đứng ngoài cuộc trong các vấn đề này, bất kể bà ngồi ở vị trí nào trong Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Bob Corker - nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Bob Corker - Tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện?

Là một nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennesse đã phối hợp khá ăn ý với vị chủ tịch có quan điểm diều hâu của đảng Dân chủ, Bob Menendez. Do vậy, xu hướng diều hâu trong chính sách đối ngoại của ủy ban này khi dưới quyền điều hành của B.Corker sẽ vẫn được duy trì khi khả năng B.Corker tiếp quản chiếc ghế trên từ Chủ tịch Menedez là rất lớn.

Tới nay, nghị sĩ Corker vẫn tuyên bố rất rõ rằng ông cảm thấy Tổng thống Obama đã thất bại trong việc áp đặt “ranh giới đỏ” đối với vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và ông Obama đáng lẽ cần phải tấn công quân sự trừng phạt chính quyền Damascus hồi năm ngoái. Ông này cũng hối thúc Mỹ gửi trang thiết bị, vũ khí cho Ukraine, nơi chính quyền Kiev đang phải đối mặt với những phần tử ly khai từ nhiều tháng nay. Ngoài ra, khả năng căng thẳng Mỹ - Nga thời gian tới cũng sẽ gia tăng khi vị Chủ tịch tiềm năng của Ủy ban Đối ngoại cho rằng cần áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Moskva nhằm gây sức ép với nước này với vấn đề Ukraine.

Có thể thấy một điểm chung giữa 5 nhân vật chủ chốt của đảng Cộng hòa là đều ủng hộ hoạt động can thiệp quân sự vào các điểm nóng của Mỹ, điển hình là Iraq. TNS Corker cũng từng hối thúc tấn công quân sự Iraq, ông cho rằng việc giảm quân tại Iraq cần phải tùy thuộc vào tình hình tại quốc gia này và cảnh  báo việc rút quân Mỹ ồ ạt sẽ đẩy quốc gia này vào vòng bất ổn. Về tình hình tại Afghanistan, với tư duy của một doanh nhân (ông Corker từng rất thành công trong ngành kinh doanh xây dựng và bất động sản), ông cho rằng Mỹ nên góp công tái thiết nền kinh tế và cơ cấu chính phủ của Afghanistan sau nhiều thập kỷ bị chiến tranh tàn phá trước khi rút quân.


Thái Nguyễn

5 nghị sĩ sẽ định hình chính sách đối ngoại của Mỹ
5 nghị sĩ sẽ định hình chính sách đối ngoại của Mỹ

5 gương mặt nghị sĩ Cộng hòa sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hoạch định đường lối ngoại giao và an ninh trong thời gian tới của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN