Trong ảnh: Ngành chức năng kiểm tra hành vi sang dầu trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/ TTXVN. |
Vùng biển mà các đối tượng lựa chọn để hoạt động chủ yếu là các vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Malaisia và Thái Lan (giá dầu trôi nổi chỉ khoảng 9.000 đồng/lít).
Từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị cảnh sát biển quản lý trên địa bàn đã trực tiếp bắt giữ 6 vụ/8 tàu mua bán vận chuyển dầu trái phép trên biển; xử phạt vi phạm hành chính 730 triệu đồng, tịch thu gần 2 triệu lít dầu Do; bán phát mại sung quỹ Nhà nước được hơn 18 tỷ đồng.
Mới đây, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán xăng dầu trái phép với số lượng lớn lên đến hàng trăm ngàn lít. Thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng tàu dầu chuyên dụng được trang bị máy có công suất lớn hành trình ra khu vực cách bờ khoảng 60-70 hải lý nơi không có sóng điện thoại di động (trước đó các đối tượng đã hẹn sẵn tọa độ qua điện thoại vệ tinh) để cập mạn với các tàu chở xăng, dầu của nước ngoài hoặc tàu trong nước từ nước ngoài về, lợi dụng đêm tối và thời tiết xấu để tiến hành giao nhận hàng, tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.
Hầu hết các phương tiện chở xăng dầu lậu đều trang bị ra đa, định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa sẵn sàng lẩn trốn khi có tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển. Khi giao nhận hàng có thể thả neo, cặp mạn để bơm hàng hoặc thả trôi hay vừa chạy chậm vừa bơm xăng dầu, khi phát hiện nghi vấn liền rút ống bơm rồi tăng tốc chạy trốn.
Đại diện Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng chỉ ra hạn chế, khó khăn trong đấu tranh chống buôn lậu như: Lực lượng thực thi pháp luật trên biển còn mỏng, địa bàn vùng biển quản lý rộng, cùng điều kiện thời tiết thất thường đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu trên biển.
Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu của các đối tượng thường diễn ra ở vùng đặc quyền kinh tế, cách đường cơ sở khoảng một trăm hải lý và trải rộng trên vùng biển phía Nam; phương tiện đối tượng sử dụng nhiều nhất là các tàu cá vỏ gỗ cải hoán, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động cũng như địa điểm giao nhận hàng, thường thực hiện tại khu vực không có sóng điện thoại, chỉ sử dụng điện thoại vệ tinh hoặc máy thu phát sóng ngắn để liên lạc. Hiện nay, các tàu dầu nước ngoài thường neo đậu ở vùng biển nước ngoài hoặc hoạt động sát đường phân định để khi phát hiện bị theo dõi sẽ di chuyển sang vùng biển nước ngoài. Thời gian giao nhận dầu trên biển phần lớn vào ban đêm, vừa thả trôi vừa bơm hàng.
Đặc biệt, đối tượng vận chuyển xăng dầu còn sử dụng bộ hóa đơn, chứng từ hợp pháp của lô hàng xăng dầu khác để xuất trình cho lô hàng phi pháp khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Theo Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đối với các lực lượng quản lý hành chính và thực thi pháp luật như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tiến hành đồng bộ các giải pháp để quản lý chặt chẽ hành trình của phương tiện và việc sử dụng nhiên liệu khai thác trên biển; quản lý chặt chẽ thông qua hệ thống kỹ thuật, tăng cường tuần tra kiểm soát phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.