Kiểm soát mặt hàng đường để ngăn hàng lậu

Hiệp hội Mía đường (HHMĐ) Việt Nam vừa đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 9) chỉ đạo mạnh mẽ các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường, nhất là tại biên giới các tỉnh phía Nam.

“Nếu các lực lượng chức năng tại các địa phương bắt được đường lậu, tổ chức đấu giá thì thông báo cho HHMĐ để thông tin cho các thành viên Hiệp hội tham gia đấu thầu theo quy định hiện hành (đấu thầu hạn chế), không thực hiện đấu thầu rộng rãi, tránh việc lợi dụng chứng từ, hóa đơn quay vòng tiêu thụ đường lậu”, đại diện HHMĐ kiến nghị.

Đường nhập lậu ngày càng gia tăng. Ảnh: Thu Hằng.

Tính đến ngày 15/5, có 18 nhà máy kết thúc vụ: 10/10 nhà máy đường ở Miền Bắc và Bắc Trung Bộ, 1 nhà máy đường ở Miền Trung - Tây Nguyên, 7 nhà máy đường ở Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Về sản lượng: Lũy kế đến 15/5/2018, ép được 13.456.637 tấn mía, sản xuất được: 1.275.987 tấn đường (trong đó có 434.124 tấn đường RE).

Tuy nhiên, theo HHMĐ, giá đường giảm liên tục từ đầu vụ, đến nay hầu hết các nhà máy đã bán giá tại nhà máy gần sát giá đường lậu của Thái Lan. Một số nhà máy đã phải bán bằng hoặc thấp hơn giá thành và có nguy cơ thua lỗ.

Đầu niên vụ 2017/18, lượng đường tồn kho ở mức cao, lên dến 596.357 tấn. Trong khi đó, đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm so với năm 2017 mà có xu hướng gia tăng, công khai, thách thức cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng. Xuất khẩu tiểu ngạch tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng việc xuất khẩu đường qua các cửa khẩu phụ vẫn chưa hoạt động như mong muốn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp dùng đường cho sản xuất có tư tưởng chờ đợi ý kiến của Chính phủ về việc gia hạn thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường của Hiệp định thương mại hàng hóa các nước (ASEAN (ATIGA). Hệ thống tổ chức bán hàng vẫn còn nhiều bất cập. Một số nhà sản xuất chế biến thực phẩm dùng đường có xu hướng gia tăng, việc sử dụng các chất ngọt thay thế khác (như đường fructose từ bắp …) thay cho một phần đường trong sản phẩm.

Từ thực tế này, Hiệp Hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến về thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường của Hiệp định thương mại hàng hóa các nước (ASEAN (ATIGA).

Bộ Công Thương cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thí điểm các cửa khẩu phụ tại các tỉnh biên giới; dành riêng một số cửa khẩu cho xuất khẩu hàng hóa nông sản, trong đó có mặt hàng đường; không cho phép hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất đi qua cửa khẩu phụ này.

Phía HHMĐ cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc dự kiến đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường; xem xét cho áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ trong khu vực ASEAN, mà còn cho nguồn gốc xuất xứ khác như Brazil, Úc, Ấn Độ, để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan, dẫn đến Việt Nam phải mua giá cao. Còn ngoài hạn ngạch vẫn áp dụng mức thuế như hiện hành. Thực hiện điều này có lợi cho việc nhập khẩu đường vào Việt Nam, vẫn giữ bảo hộ cho sản xuất trong nước như hiện nay và vẫn bảo đảm cam kết trong các FTA.

Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2017/2018, cả nước có 37 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 162.300 TMN. Diện tích mía có hợp đồng bao tiêu là 248.930 ha, năng suất bình quân là 66 tấn/ha, chữ đường bình quân là 10 CCS, sản lượng mía ép là 15.174.000 tấn, sản lượng đường đạt 1.475.000 tấn (trong đó đường tinh luyện khoảng 50%).

Tuy nhiên, diễn biến thời tiết thất thường, mưa, bão lũ nhiều đợt ở miền Trung - Tây Nguyên, xâm nhập mặn và sâu bệnh ở đồng bằng sông Cửu Long, tác động El-Nino ở các tỉnh phía Bắc và Miền Trung - Tây Nguyên, nên nhiều nhà máy, công ty đã vào vụ chậm; hoạt động không liên tục đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các thành viên Hiệp hội.

Minh Phương/Báo Tin tức
Mía đường trước áp lực khủng hoảng 'thừa mà thiếu'
Mía đường trước áp lực khủng hoảng 'thừa mà thiếu'

Nguồn cung đường thế giới đạt tới gần 180 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Lượng đường tồn kho trong nước còn rất lớn, trên 314.000 tấn. Điều này đang gây áp lực lớn lên ngành đường Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN