Một trong những thủ đoạn mới khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn là các đối tượng biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu, lắp đặt thêm các trang bị, công cụ trên tàu; mua bán xăng dầu trái phép trực tiếp trên biển rồi đưa vào đất liền tiêu thụ. Điển hình, lực lượng chức năng vừa phát hiện một tàu vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp tại khu vực biển cách Tây Bắc đảo Thổ Chu, Kiên Giang khoảng 26 hải lý.
Tiếp đó, trên khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 115 hải lý về phía Đông Đông Nam, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu BT-99998 TS có dấu hiệu vi phạm nên đã kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 7 thuyền viên, thuyền trưởng là ông Lê Minh Tính, sinh năm 1965, quê ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện trên tàu BT-99998 TS đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO. Làm việc với lực lượng chức năng, thuyền trưởng Lê Minh Tính không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc của hàng hóa; các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ chuyên môn.
Theo Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia, vấn nạn xăng dầu lậu luôn là vấn đề rất nóng. Mặc dù đại dịch bùng phát song buôn lậu xăng dầu trên tuyến biển vẫn không giảm, nổi lên là khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và tại vùng biển Tây Nam. Các hoạt động vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực biển vùng Đông Bắc, miền Trung, Tây Nam...; trên các tuyến biển quốc tế từ châu Phi, châu Úc, Đài Loan, Hồng Kông về Việt Nam với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Thậm chí, tình trạng manh động, dùng vũ khí chống lại các lực lượng chức năng diễn ra khá phổ biến.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh khiến việc giao thương, vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch, hoạt động nghiệp vụ trên biển bị ảnh hưởng nên gia tăng hoạt động buôn lậu.
Đại diện Tổng cục Hải quan dự báo: Tình hình buôn lậu trên biển cuối năm, đặc biệt dịp Tết sẽ tiếp tục phức tạp do nhu cầu hàng hóa của thị trường tăng cao. Do đó, lực lượng hải quan sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình trên các vùng biển; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các khu vực trọng điểm để ngăn chặn, đấu tranh kịp thời, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu; phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ngư dân, chủ động, tích cực tố giác các hành vi buôn lậu; cam kết không tham gia tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các tổng cục, cục chuyên ngành phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không. Trong đó chú ý các mặt hàng như: Điện tử, xăng dầu, thuốc lá, rượu bia, động vật quý hiếm, khoáng sản, đường cát, thực phẩm tươi sống, vị thuốc cổ truyền giả và thuốc tân dược...