Phía Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) đã đề nghị có cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT). Trong đó, cần áp dụng biện pháp công nghệ (ví dụ cơ sở dữ liệu trực tuyến).
Sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn TMĐT phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa. Hàng hóa đăng bán trên TMĐT phải cung cấp đầy đủ thông tin về ghi nhãn hàng hóa quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Các hoạt động bán hàng trên mạng cần phải được đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp để thuận lợi cho công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc và chống thất thu thuế.
Đối với các vi phạm rõ ràng, các cơ quan thực thi cần phải có công cụ trực tuyến khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời và lưu giữ chứng cứ vi phạm (chẳng hạn như tạm thời đóng, ngưng trang web, app,…)
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 9 Quốc gia, hiện việc các đối tượng lợi dụng phương thức TMĐT để sản xuất và buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường, quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận.
Chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân (thậm chí học sinh, sinh viên,...); các trang mạng, Wesite TMĐT thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng, cá biệt có trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu.
Theo các cơ quan chức năng, sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán bằng mã QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Thủ đoạn của các đối tượng này thường là sử dụng một địa chỉ, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
“Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vêt, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn”, đại diện BCĐ 9 Quốc gia nói.
Trên cơ sở đó, Văn phòng Thường trực đã lấy ý kiến các bộ, ngành để trình BCĐ 9 Quốc gia ban hành Kế hoạch để chỉ đạo quyết liệt hơn đối với các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng trong hệ thống của BCĐ 9, đặc biệt là trong công tác phối hợp các lực lượng.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng 9 các bộ, ngành và địa phương là tập trung rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước; tập trung xác minh, thanh tra, kiểm tra làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, từ đó chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, các website, mạng xã hội đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật nước Việt Nam.