TP Hồ Chí Minh vẫn khó kiểm soát hàng gian, hàng giả

Ngày 29/8, tại Hội nghị sơ kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018 và triển khai phương hướng nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2018 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Thành Kiên, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo 9 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện việc cấp phép kinh doanh phân bón do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Do đó, quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh rất khó để kiểm soát hàng gian, hàng giả. Thêm vào đó, việc kiểm định chất lượng ở gần 400 điểm mua bán phân bón kéo dài nên khó xử lý nếu phát hiện phân bón sản xuất hàng giả, nhập lậu.

Chú thích ảnh
Trao Bằng khen của Ban chỉ đạo 9 quốc gia cho các cá nhân có thành tích xuất sắc công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Thành phố cần quản lý hoạt động mua bán khi giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển. Đồng thời, các cơ quan chức năng tập trung quản lý, kiểm soát sử dụng chữ ký số; tập trung kiểm tra hàng gian hàng giả tại các khu vực trọng điểm như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ An Đông… Quản lý thị trường phối hợp Công an Thành phố lập chuyên án phá điểm lưu giữ hàng, kiểm tra điểm kinh doanh thuốc lá, kiểm soát thuốc lá lậu trên địa bàn trọng điểm huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...

Đối với Cục Hải quan cần tăng cường kiểm soát đường hàng không, đường biển, đường sông để phòng chống ma túy, hàng lậu, rác phế liệu trong container. Cục Thuế tăng cường thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá, giao dịch đáng ngờ, tổ chức, quản lý thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử… Bởi hiện nay, cả nước  có 129.000 trang thương mại điện tử, trong đó có 80.000 website hoạt động ổn định, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, buôn bán hàng lậu qua đường hàng không, cảng biển diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực hải quan nổi lên việc lợi dụng việc thông quan hàng hóa dựa trên cơ chế quản lý rủi ro. Nhiều doanh nghiệp không khai báo thông tin hàng nhập chính mà chỉ kê khai mặt hàng có giá trị thấp để trốn thuế hoặc khai báo không đúng số lượng, giá hàng hóa.

Bên cạnh đó, buôn lậu thuốc lá, đường cát diễn biến ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn đối phó lực lượng chức năng như vận chuyển thuốc lá bằng xe gắn máy, chạy ngoài giờ hành chính với tốc độ cao sẵn sàng gây tai nạn cho lực lượng chức năng, thuê các xe tải vận chuyển khối lượng lớn, liên tục thay đổi phương tiện, gắn biển số giả.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã xử phạt 12.486 vụ vi phạm hành chính, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2017, thu 2.078 tỷ đồng, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, chuyển cơ quan điều tra khởi tố hình sự 5 vụ với 6 đối tượng bị truy tố, xử phạt 2.508 vụ gian lận thương mại… Riêng trong tháng 7/2018, đã xử lý 2867 vụ vi phạm, thu ngân sách gần 600 tỷ đống.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, công an thành phố phát hiện lạm dụng chữ ký số thông quan hàng hóa không phải chủ hàng nên kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp các Bộ ngành ngăn chặn tình trạng này.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả kiểm tra trọng tâm, nhóm hàng cấm, hàng thuế tiêu thụ đặc biệt, ngăn chặn buôn lậu sản xuất hàng gian hàng giả. Mặt khác lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng phát hiện ngăn chặn cửa khẩu, hàng lậu nơi biên giới…

Tin, ảnh: Hoàng Hải (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh xử lý mạnh tay với hàng giả, hàng gian
TP Hồ Chí Minh xử lý mạnh tay với hàng giả, hàng gian

Mặt hàng nào được tiêu thụ mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng tín nhiệm thì ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng giả, hàng nhái. Đây là bài toán nan giải để các cơ quan chức năng xử lý để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, hàng gian hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN