“Ác mộng” giao thông tại Jakarta

Cơ sở hạ tầng lạc hậu, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tồi tệ cùng với nạn lụt lội thường xuyên diễn ra khiến thủ đô Jakarta của Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Đường phố Jakarta giờ cao điểm đông nghịt xe hơi.

Những chiếc ô tô chen chúc trên đường phố Jakarta vào giờ cao điểm là hình ảnh diễn ra “như cơm bữa” và không còn xa lạ với người dân Indonesia. Jakarta đã phải đối mặt với vấn nạn ách tắc giao thông trong hơn 20 năm nay. Sự gia tăng nhanh chóng số người sở hữu xe hơi trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém đã biến hoạt động giao thông trở thành “cơn ác mộng” đối với hầu hết người dân Jakarta.


Bộ Công trình công cộng Indonesia cảnh báo thủ đô của nước này sẽ phải đối mặt với vấn nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong năm 2014. Jakarta cần một hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài khoảng 12.000 km, song thực tế hiện chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu này. Trong khi đó, số lượng xe có động cơ ở Jakarta lại liên tục tăng từ 10 - 12% năm. Ngành Môi trường Indonesia cũng đã cảnh báo về nguy cơ "ách tắc giao thông hoàn toàn" trong năm 2014 tại Jakarta.


Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố năm 2013 đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng tại Jakarta là tồi tệ nhất trong khu vực. Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định tình hình giao thông của Jakarta sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn. Chuyên gia phát triển đô thị Josie McVitty tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nguyên nhân cơ sở hạ tầng của Jakarta xuống cấp là do dân số tăng quá nhanh trong khi vấn đề quy hoạch lại yếu kém.


Hệ thống giao thông công cộng ở Jakarta nay đã quá tải và chỉ phục vụ tại các tuyến đường huyết mạch trong khi nếu sử dụng xe hơi vào giờ cao điểm thì người lái xe có nguy cơ mất ít nhất 1 giờ để tiến được... 1km. Đối mặt với tình trạng này, nhiều cơ sở kinh doanh đã tự đối phó bằng cách lập các “văn phòng di động” hoặc tổ chức các cuộc họp trực tuyến.


Shannon Smith, nhà tư vấn tiếp thị người Australia đã làm việc và nghiên cứu tại Jakarta gần 20 năm qua, cho biết để tận dụng thời gian một cách hiệu quả nhất, ông đã bố trí hai ngày để tham dự các cuộc họp của công ty và ở lại văn phòng trong ba ngày còn lại. "Tôi chỉ có thể tham gia hai cuộc họp trong một ngày. Bởi nếu họp ba lần/ngày thì đó sẽ là một ngày dài phơi mặt trên đường".


Ngoài ách tắc giao thông, vấn đề ngập lụt cũng là một bài toán hóc búa mà chính quyền thủ đô Indonesia cần phải giải quyết. Tính từ đầu năm 2014 đến nay đã có ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hơn 60.000 phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt ở Jakarta.


Chính quyền Jakarta bước đầu đã giải quyết tình trạng giao thông “nhức nhối” tại thủ đô bằng một dự án đường sắt cao tốc trên cao. Dự án này được khởi công trong năm 2013 và nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Giao thông vận tải Indonesia. Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng đưa ra một số biện pháp nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng những sáng kiến này đã trở nên không có hiệu quả khi chính sách trợ giá nhiên liệu cùng các ưu đãi về thuế cho người mua xe mới vẫn tiếp tục được thực hiện.


WB cùng Bộ Kế hoạch và Phát triển Indonesia mới đây cũng đã xây dựng một đề án nhằm bồi dưỡng cho các quan chức về “quy hoạch có trách nhiệm và thực hành hiệu quả” với mục đích "nâng cao khả năng lập kế hoạch và năng lực quản lý để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đô thị lớn tại địa phương".


Ngoài ra, một trong những sáng kiến nhằm khắc phục tình trạng lụt lội tại Jakarta được chính quyền thành phố đưa ra là dỡ bỏ các khu nhà ổ chuột - được cho là nguyên nhân chính khiến hệ thống cấp thoát nước hoạt động không hiệu quả. Chính quyền thành phố cũng đang xây dựng 2.000 giếng hút nước nhằm giúp giảm lượng nước tù đọng tại các khu vực bị ngập lụt, từ đó cải thiện hoạt động giao thông.


Theo kế hoạch, Bộ Công trình công cộng Indonesia sẽ dành 45 - 55% ngân sách cho các dự án về giao thông trong cả nước và khoảng 50% số tiền bỏ ra sẽ được dành cho Jakarta.


Vũ Thanh (Diplomat)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN