Chính phủ Ấn Độ đã đối phó với tình trạng thiếu nhà vệ sinh ở các vùng nông thôn nghèo của nước này bằng việc phát động chiến dịch “không toilet, không cô dâu” - kêu gọi phụ nữ Ấn từ chối kết hôn nếu nhà trai không lo được “khu phụ” khép kín.
Nhiều người Ấn Độ phải giải quyết các nhu cầu vệ sinh cá nhân ở bờ sông. |
Những lời kêu gọi đã được đưa ra từ Bộ trưởng phát triển nông thôn Ấn Độ Jairam Ramesh, quan chức gần đây đã khiến người Hindu tức giận khi tuyên bố tại đất nước 1,2 tỉ dân này, số đền thờ còn nhiều hơn cả toilet. Trong một bài phát biểu trước dân làng ở Rajasthan, ông Ramesh cho rằng, chỉ nhờ đến thuật chiêm tinh là không đủ để các gia đình quyết định người cầu hôn con gái mình có phù hợp không, họ cũng nên kiểm tra cả khu vệ sinh ở nhà anh ta. “Các bạn hỏi ý kiến các nhà chiêm tinh trước khi kết hôn, nhưng cũng nên xem liệu nhà chồng sắp cưới của mình có toilet hay không. Các bạn đừng quyết định cưới chừng nào nhà họ chưa có toilet”, ông Ramesh kêu gọi.
Phát biểu của quan chức này là một trong hàng loạt bài diễn thuyết và vận động nhằm tăng cường số lượng các nhà vệ sinh khép kín tại Ấn Độ. Theo thống kê, hiện nay có tới trên 900 triệu người Ấn Độ, chiếm 75% dân số, sở hữu thuê bao điện thoại di động, nhưng chỉ một nửa số hộ gia đình có nhà vệ sinh khép kín. Ngoài ra, chỉ 11% số hộ gia đình có nhà vệ sinh được kết nối với hệ thống tiêu thoát đảm bảo.
Bộ trưởng Ramesh từng bạo mồm gọi Ấn Độ là “chiếc toilet ngoài trời lớn nhất thế giới”. Vấn đề này đặc biệt nặng nề với phụ nữ Ấn, khi nhiều người buộc phải dậy từ trước khi có ánh bình minh để tắm rửa, vệ sinh trong bóng đêm. Nhiều phụ nữ đã bị cưỡng hiếp hoặc tấn công trong lúc đi tìm nơi để vệ sinh.
T.H