Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá đây là dấu mốc quan trọng kể từ khi Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế năm 1991. Phóng viên TTXVN tại New Delhi cho biết GST lần đầu tiên được chính phủ lúc đó do đảng Quốc đại đứng đầu giới thiệu vào năm 2013, song đạo luật đã gây khá nhiều tranh cãi. Sau khi sửa đổi các nội dung quan trọng, đạo luật này được Hạ viện Ấn Độ thông qua vào tháng 5/2015. Dù trải qua nhiều kỳ họp nhưng đạo luật này vẫn chưa được thông qua tại Thương viện do sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập và chính quyền các bang.
Điểm đáng chú ý nhất là việc thông qua GST đã biến Ấn Độ trở thành một thị trường thống nhất khi đạo luật này gộp nhiều loại thuế phức tạp thành một mức chung như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế dịch vụ, thuế đô thị… Ngoài ra, chính quyền trung ương và địa phương cũng đã tìm được tiếng nói chung, theo đó chính quyền trung ương cam kết sẽ đền bù, bồi hoàn cho ngân sách các bang trong vòng 5 năm nếu ngân sách các bang bị giảm so với trước khi thực thi đạo luật này.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định GST có tác động tích cực lên nhiều lĩnh vực của Ấn Độ. Đối với nền kinh tế, GST giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ tăng từ 0,9-2%/năm nhờ việc thống nhất thành một thị trường chung thay vì 29 thị trường ở 29 bang như trước đây và một mức thuế chung trên toàn quốc.
Đối với chính phủ, GST là thuế gián thu. Việc điều chỉnh mức thuế đối với một số ngành sẽ giúp tăng ngân sách nhà nước, trong khi việc triển khai rộng hệ thống thông tin khai báo và thu thuế cùng với hệ thống giám sát sẽ giảm tối đa tình trạng trốn thuế. Với doanh nghiệp Ấn Độ, GST là bước đột phá lớn. Lợi ích lớn nhất doanh nghiệp sẽ có được là giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí vận chuyển liên bang. Các chuyên gia ước tính chi phí vận chuyển có thể tiết kiệm được 30-40%.
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể khi thuế hàng hóa, chi phí sản xuất giảm, từ đó giá hàng hóa sẽ giảm, qua đó thúc đẩy tiết kiệm và tăng sức mua của người tiêu dùng.
Chính phủ Ấn Độ hy vọng đạo luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2017, thời điểm bắt đầu tài khóa mới ở nước này.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Trung Thướng, Bí thư thứ nhất, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết thương mại giữa hai nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Ấn Độ. Vì vậy, trong ngắn hạn, có thể nói GST không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn với Ấn Độ cần lưu ý. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu đầu vào như nông sản, thủy sản… sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động, linh kiện, máy vi tính, thiết bị điện tử… trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng.