Từ cả tháng nay, người dân ở thủ đô Niu Đêli của Ấn Độ đã hối hả sơn sửa, trang trí nhà cửa để đón lễ hội Diwali. Trên sân thượng, xung quanh tường nhà, cổng chính, vườn cây, chậu cây cảnh của những ngôi nhà vừa khoác màu áo sơn mới cũng được trang trí những chùm đèn nhiều màu sắc, để toàn thành phố bừng lên trong lễ hội Ánh sáng.
Các ngôi nhà ở Niu Đêli đều được trang trí đèn màu đón lễ hội Diwali. |
Lễ hội Ánh sáng Diwali là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Ấn Độ. Xưa kia Diwali là lễ hội của người theo đạo Hindu, nhưng ngày nay tất cả các đạo giáo ở Ấn Độ đều tổ chức ngày lễ này. Diwali diễn ra từ giữa tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm, song ngày lễ chính (giống như mùng 1 Tết Nguyên đán) luôn diễn ra đúng ngày 30/10 âm lịch vì ngày này được coi là có đêm tối nhất trong năm. Năm nay, do có tháng nhuận nên ngày lễ Diwali rơi vào đêm 30/9 âm lịch, tức là ngày 13/11 dương lịch.
Người Ấn Độ chuẩn bị cho Tết Diwali cũng giống như người Việt Nam chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Nhu cầu mua sắm vào dịp này tăng đột biến. Ngoài những đồ trang trí nhà cửa như cây cảnh, đèn màu, chuỗi dây xúc xích kết hoa bằng giấy hoặc bằng nhựa,... còn có hai thứ không thể thiếu trong lễ hội Diwali là nến và pháo hoa. Trước lễ đốt nến và bắn pháo hoa vào tối 13/10 cả tuần, tất cả các siêu thị, cửa hàng, trên đường phố, khu chung cư… đâu đâu cũng tràn ngập ánh đèn lung linh đủ màu sắc, và những gia đình khá giả đã bắt đầu bắn pháo hoa. Trong đêm Diwali người dân được tự do bắn pháo hoa tùy theo khả năng tài chính của mình, song sau đêm lễ hội đó, không ai được phép bắn pháo hoa nữa, và phải chờ cho đến lễ hội Diwali năm sau.
Theo quan niệm truyền thống, vào đêm lễ Diwali, người dân Ấn Độ thường đổ dầu vào những chiếc đèn làm bằng đất sét để thắp sáng suốt đêm nhằm tượng trưng cho cái tốt chiến thắng cái xấu, đồng thời để đón nữ Thần Laskhmi. Ngày nay, phần lớn các gia đình đều dùng những giây đèn màu nhấp nháy treo khắp xung quanh nhà để thay thế những chiếc đèn dầu bằng đất sét như vậy. Còn việc bắn pháo hoa được quan niệm để xua đuổi linh hồn của quỷ. Trong đêm hội Diwali, mọi người đều mặc áo mới, mời nhau ăn kẹo bánh và đồ ăn nhẹ cùng với các thành viên trong gia đình và bạn bè.
Một tuần trước ngày lễ chính, mọi người đổ xô đi mua sắm cho gia đình và mua quà tặng cho người thân, bạn bè, đối tác. Các cơ quan ngoại giao đoàn cũng như các cơ quan đại diện nước ngoài tại Ấn Độ cũng hòa vào không khí lễ hội của người Ấn Độ. Đây cũng là dịp để những người Việt công tác tại Ấn Độ như chúng tôi có thể tặng quà bày tỏ lòng cảm ơn đối với những người bạn nước sở tại đã giúp đỡ chúng tôi trong suốt năm qua.
Ấn Độ có rất nhiều lễ hội, song có lẽ đối với chúng tôi Diwali là lễ hội ấn tượng nhất, bởi không khí lễ hội hơi giống không khí Tết ở Việt Nam. Trong không khí se lạnh của những ngày đầu đông, nhìn cảnh tượng người tấp nập đi mua sắm, gia đình nào cũng bận rộn trang trí nhà cửa, từng đoàn người đi chúc tụng lẫn nhau… khắp nơi, dù ở ngoài chợ hay trong khu chung cư, tiếng chúc “Happy Diwali” gợi lên cho chúng tôi một tình cảm thân thiết, nghe như lời chúc Tết nơi quê nhà vậy.
Bài và ảnh: Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)