Ăn gì để bảo vệ môi trường?

Trước đây, ăn uống thường được coi là một chuyện đơn giản. Nếu bạn thích ăn gì đó và có đủ tiền mua thì chỉ việc mua rồi ăn. Nhưng ngày nay, đối với nhiều người, đặc biệt là những người yêu môi trường và những người thích ăn thịt, thời mà họ có thể ăn uống vô tư đã qua.

Biểu đồ so sánh lượng cácbon thải ra của các loại thức ăn.


Cuốn “Cẩm nang về sức khỏe và ăn uống dành cho người ăn thịt” đã đưa ra một cái nhìn tổng quát nhất về ảnh hưởng của các loại thức ăn đối với môi trường. Trong đó, thịt động vật bị coi là loại thức ăn gây hại nhiều nhất cho môi trường do động vật thải ra nhiều khí mêtan. Hơn nữa, quá trình sản xuất, chế biến thịt trải qua rất nhiều công đoạn.

Ông Kari Hamerschlag, nhà phân tích cấp cao thuộc một tổ chức phi lợi nhuận vì môi trường ở Mỹ và là tác giả của cuốn cẩm nang, cho biết, đánh giá tác động của các loại thịt với môi trường trong cuốn cẩm nang dựa trên những tính toán về lượng cácbon thải ra trong quá trình chăn nuôi và chế biến thịt. Đánh giá còn tính đến cả lượng thuốc trừ sâu và phân bón dùng để trồng các loại rau quả, ngũ cốc cho gia súc, quá trình chăn thả đàn gia súc cũng như quá trình chế biến, vận chuyển và nấu thành món ăn. Thậm chí, cả đồ ăn thừa - một nguồn gây ô nhiễm và thải ra một lượng khí thải lớn - cũng được tính vào. Các tiêu chí đánh giá thịt cũng được áp dụng với các loại thức ăn khác như cá, ngũ cốc, sản phẩm từ sữa và rau.

Thịt cừu – một loại thịt gây hại cho môi trường nhất.


Theo các tiêu chí trên, không có gì ngạc nhiên khi thịt bị coi là “kẻ tội đồ” trong số các loại thực phẩm được đánh giá. Tuy nhiên, không phải loại thịt nào cũng gây ra “tội” ở mức độ giống nhau. Thịt cừu là loại gây hại cho môi trường nhiều nhất khi mỗi kg thịt được tiêu thụ sẽ thải ra gần 40 kg CO2. Xếp thứ hai là thịt bò với lượng CO2 thải ra là 27 kg/kg thịt.

Nói cách khác, ăn một lát thịt cừu om khoảng 1 lạng cũng có hại với môi trường tương đương với việc lái một chiếc ô tô cỡ trung bình trên quãng đường 13 km. Còn ăn thịt bò gây hại cho môi trường ít hơn khoảng một nửa so với thịt cừu. Ông Hamerschlag ví: “Một gia đình 4 người bỏ ăn bíttết một lần/tuần cũng có ích với môi trường giống như không lái xe trong vòng gần 3 tháng”.

So với hầu hết người dân ở các nước phát triển khác, người Mỹ ăn nhiều thịt hơn hẳn, với lượng 100 kg/năm/người. Nhưng hiện nay, tầng lớp trung lưu ở nhiều quốc gia mới nổi mà dẫn đầu là Trung Quốc cũng ăn nhiều thịt không kém, đặc biệt là thịt lợn. Nhìn chung, người dân trên toàn cầu ngày càng tiêu thụ nhiều thịt, tăng từ 70 triệu tấn trong năm 1960 lên khoảng 300 triệu tấn trong thời gian gần đây.

Một vấn đề nữa nguy hại đối với môi trường là vấn nạn thức ăn thừa. Tại Mỹ, lượng khí thải cácbon sinh ra từ thức ăn thừa chiếm 1/5 tổng lượng cácbon thải ra trong quá trình sản xuất, chế biến thịt và các sản phẩm từ sữa.

Ngoài vấn đề môi trường, các nghiên cứu đều chỉ ra một điều là ăn nhiều thịt sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Đó là còn chưa kể đến tác động của các loại kháng sinh và hoócmôn tăng trưởng dùng để nuôi gia súc.

Đánh giá về mọi mặt, trong khi thịt bị coi là “tội đồ” thì rau, đặc biệt là đậu lăng, được xếp vào loại thức ăn “thân thiện” nhất với môi trường.

Tuy nhiên, nếu bạn không thể hoặc không muốn từ bỏ thói quen ăn thịt, bạn vẫn có thể góp phần bảo vệ môi trường, dù là một phần nhỏ, bằng cách chọn các loại thịt, trứng, sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những gia súc được chăn nuôi theo cách ít gây hại tới môi trường nhất.

Nhưng xét cho cùng, theo lời khuyên của nhà dinh dưỡng Mỹ Michael Pollan, bạn không nên ăn quá nhiều thịt mà nên ưu tiên các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật.

Thùy Dương


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN